Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

Neo giữ những thanh âm

NEO GIỮ NHỮNG THANH ÂM...
Vượt cung đường quanh co chạy ven những thửa ruộng vừa xong vụ gặt, tôi tìm về thăm ông giữa trưa nắng giao mùa. Từ xa đã nghe vang ngân tiếng sáo bổng trầm khoan nhặt, cứ thế men theo tiếng sáo tôi đến với căn nhà nép mình bên dòng Nậm Ạng để có cuộc đàm đạo cùng ông- nghệ nhân Quán Vi Cầu.

Tôi biết đến và mến cái tài sử dụng nhạc cụ dân tộc đặc biệt là sáo trúc của ông cách đây gần 20 năm. Buổi ấy gã em út là tôi được cùng ông và các nghệ nhân khác ở Quỳ Hợp như Sầm Quang Lý, Trương Thanh Hải, Phạm Hùng Thanh... tham gia liên hoan Tiếng hát làng Sen và Lễ hội sông nước Cửa Lò (năm 1996) và sau đó là nhiều kỳ Hội diễn cấp tỉnh khác. Sau phút hàn huyên có chút gì đó ngỡ như chạm vào mạch ngầm hồi tưởng, ông kể cho tôi nghe cái cơ duyên để rồi gần 50 năm qua ông luôn nặng lòng với những thanh âm nhạc cụ truyền thống của mình...
Sinh ra và lớn lên ở Bản Ạng, xã Châu Quang (Quỳ Hợp) cái nôi văn hóa  dân tộc Thái của cả vùng Khủn Tinh xưa cũ, ngay từ nhỏ cậu bé Quán Vi Cầu đã có năng khiếu thiên bẩm và niềm đam mê mãnh liệt với vốn dân nhạc phong phú của cha ông. Những buổi theo bố mẹ dự ngày vui của bản, ánh mắt cậu luôn đau đáu không rời những pí, những sáo; bước chân cứ lẽo đẽo theo sau những người có  tài thổi kèn lá, kèn môi. Lớn lên một chút, khi đã biết chăn trâu phụ giúp gia đình, nẻo đường dong trâu đi về của cậu luôn cứ dài hơn lũ trẻ con trong bản, bởi cậu có chủ ý lùa trâu đi vòng qua nhà cụ Hủn Vi Luyện để mà nghe tiếng sáo của người nghệ nhân rất mực tài hoa. Bị cuốn hút bởi những thanh âm mê hoặc ấy, không biết bao lần, cậu cứ nằng nặc xin bố mẹ cho đi học thổi sáo, thổi kèn. Thương con, bố mẹ chiều lòng, nhưng với điều kiện phải cùng lo học chữ. Với “lễ lạt” nhập môn là một bó chè xanh cắt từ vườn nhà, cậu bé Quán Vi Cầu bắt đầu “tầm sư học đạo”, sư phụ mà cậu tìm đến không ai khác chính là cụ Hủn Vi Luyện. Thế là từ đó hễ rỗi một chút, cậu lại chạy tót đến nhà cụ Luyện, hết thổi sáo lại học thổi pí, thổi kèn lá, kèn môi.
Năm 1975, lên đường nhập ngũ, hành trang mang theo là cây sáo dắt lưng. Dọc đường hành quân chính tiếng sáo, tiếng pí, kèn lá, kèn môi của người con đến từ mường Khủn Tinh trong những phút dừng chân đã động viên rất nhiều anh em đồng đội. Ghi nhận nét tài hoa, đơn vị đã đề đạt chàng lính trẻ đảm nhận các nhiệm vụ công tác ở Ban tuyên huấn, phòng chính trị, đội văn nghệ của Sư đoàn. Trong môi trường quân ngũ, năng khiếu văn hóa, văn nghệ của anh thêm điều kiện phát huy với hai năm học nhạc lý, học kèn Clarinet. Đặc biệt trong quảng thời gian này, Quán Vi Cầu đã được gặp gỡ và học hỏi thêm kỹ năng thổi sáo với nghệ sỹ sáo trúc nổi tiếng cùng quê xứ Nghệ- nghệ sỹ Đinh Thìn. Tài năng dần thêm độ chín, tiếng pí, tiếng kèn, đặc biệt là tiếng sáo trúc của Quán Vi Cầu đã vang ngân ở rất nhiều buổi biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sỹ, những kỳ Hội diễn toàn quân.
Năm 1984, rời quân ngũ trở về với bản làng, hành trang mang về vẫn không thể thiếu cây sáo, cây pí thân quen. Từ bấy đến nay Quán Vi Cầu lăn lộn với phong trào văn nghệ quần chúng của địa phương. Hết góp mặt trong đội hình xã Châu Quang dự các Hội thi cấp huyện, lại khăn gói cùng anh chị em đội Văn nghệ quần chúng huyện Quỳ Hợp tham gia các Hội thi cấp tỉnh. Ngay mới vừa đây thôi, tại Hội diễn văn nghệ các Dân tộc thiếu số tỉnh Nghệ An lần thứ 3 được tổ chức tại thành phố Vinh, nghệ nhân Quán Vi Cầu đã góp tiếng sáo trong hầu hết các tiết mục của đội. Đặc biệt ở tiết mục Ru con (dân ca dân tộc Thổ) tiếng sáo của nghệ nhân Quán Vi Cầu đã góp nên thành công, chinh phục khán giả và ban giám khảo để mang về giải nhất cho đoàn Quỳ Hợp.
Mặc cho cuộc sống vẫn còn đó không ít gian nan, chiều chiều tiếng sáo của ông lại cất lên làm lay động cả không gian bản Ạng. Và, có lẽ hiếm ai như ông thường ru cháu bằng chính tiếng sáo mà mình gắn bó bao năm như là duyên nợ. Không biết tự bao giờ, niềm đam mê văn hóa văn nghệ, nhạc cụ dân tộc của ông đã âm thầm lan tỏa khắp bản Ạng. Làm nên một bản Ạng luôn là điểm sáng trong phong trào nghệ thuật quần chúng ở Quỳ Hợp với những giọng hát hay nhiều người biết đến như Quốc Việt, Trung Hiếu, Trinh Nữ... Tiết mục “Lễ hội cầu mùa” do đội văn nghệ của bản trình bày đã đạt nhiều giải cao tại liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp xã, cấp huyện và đã được chọn tham gia chương trình “Đêm hội sắc xuân Miền Tây Nghệ An năm 2014” được tổ chức tại Thị xã Thái Hòa vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua...
Câu chuyện giữa tôi và ông cứ thế xoay quanh những sáo, những pí, những kèn...Cảm nhận khi nói về vốn dân nhạc truyền thống ông cứ dốc lòng như truyền lửa. Ngay như chuyện thổi được kèn lá cho đúng điệu thôi xem ra cũng không đơn giản, rất nhiều loại lá như lá sắn, lá nhãn, lá vải... đều có thể làm kèn lá. Nhưng để kèn đúng tông, tiếng thanh trong thì phải là lá cây sa nhân. Cùng là pí nhưng pí nhuôn có thân dài hơn pí xuối. Mỗi loại sáo có giọng riêng nên phải biết để mà sử dụng cho phù hợp. Ví như đệm cho ngâm thơ phải là sáo có tông thấp, thường là sáo si giáng; đệm các bài hát nhạc cách mạng, nhạc trẻ thường là sáo đô trưởng... Đệm cho xuối, nhuôn còn phải tùy vào tông giọng của người hát mà chọn loại sáo cho phù hợp.

 Nặng lòng neo giữ những thanh âm, nghệ nhân Quán Vi Cầu luôn canh cánh nỗi niềm khi mà thực tế hiện nay lớp trẻ thường chạy theo dòng nhạc điện tử mà thờ ơ với nhạc cụ truyền thống. Cả xã Châu Quang rộng lớn là vậy nhưng người biết thổi kèn lá, kèn môi không nhiều; biết thổi pí, thổi sáo xem ra chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ông mong muốn mở được lớp dạy nhạc cụ truyền thống để truyền những kinh nghiệm, kỹ năng bao năm mình tích lũy cho lớp trẻ. Có như vậy vốn dân nhạc phong phú của ông cha mới vợi bớt nỗi lo thất truyền./.
                                                                       CAO DUY THÁI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét