Pu Đên- tiếng Thái nghĩa là Núi Đền. Nằm giữa trung tâm Mường Choọng, Pu Đên cây cối ngút xanh như bạt ngàn núi tiếp núi nơi này. Khác chăng là trên đỉnh Pu Đên còn hằn in vết tích Đền Choọng xưa với những hòn tảng lá phủ rêu phong, dưới chân Pu Đên, dòng Nậm Choọng trong veo ngày đêm tuôn chảy, rì rào khúc nhạc vỗ về. Đoạn qua Pu Đên, Nậm Choọng uốn mình cong như dấu hỏi để lại một vực nước sâu gắn với huyền thoại mà người Mường Choọng ai cũng nhớ, cũng thuộc- huyền thoại Nang Phốm hóm- Nàng Tóc thơm…
Chuyện kể rằng…
Nang Phốm hóm- Nàng tóc thơm là người con gái Thái đẹp người, đẹp nết, ngay từ lúc sinh ra Nàng đã có nét thông minh lanh lợi khác người. Như hội tụ khí thiêng đất trời, ở Nàng luôn toát lên vẻ đẹp tựa thần tiên giáng thế, đặc biệt là mái tóc Nàng luôn ngát hương thơm của hoa rừng, mây núi. Nàng đi đến đâu là mang theo may mắn và niềm vui tới đó.
Buổi ấy đất nước bị giặc Minh đô hộ, không cam chịu nỗi nhục mất nước, cả bản mường đã sát cánh cùng nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc. Trong khói lửa binh đao, một tướng tài của nghĩa quân đã gặp nàng, họ đem lòng thương nhau và hẹn thề nên duyên chồng vợ. Nàng được tin cậy đảm trách sứ mệnh chỉ huy việc gom góp lương thực nuôi quân. Không quản ngại vất vả, Nàng đã đến từng nhà hướng dẫn bà con trong vùng làm ra thật nhiều lúa gạo, dệt nên nhiều tấm vải phục vụ nghĩa quân kháng chiến trường kỳ. Tướng quân cùng nghĩa quân chinh chiến dặm trường, hết đánh trận Trà Lân, đến trận Độ Gia, giải phóng Miền Tây rồi cả vùng Châu Hoan rộng lớn…Dõi theo tin thắng trận của nghĩa quân, Nàng cùng dân bản càng ra sức cấy trồng, ươm tơ dệt vải làm tròn vai trò miền hậu phương lớn.
Chiều chiều sau khi cắt đặt công việc xong xuôi Nàng thường ra bến nước ven dòng Nậm Choọng để gội đầu. Một buổi chiều nọ trong nỗi nhớ mong tướng quân đang dọc ngang trên chiến trận, lúc gội đầu nàng đã thẫn thờ vô ý làm rơi chiếc lược, với tay vớt lược và Nàng bị nước cuốn xuống vực sâu…
Nhận được tin nàng mất, tướng quân cùng binh lính tức tốc tìm về. Trong nỗi xót thương Nàng đến tột cùng, tướng quân cùng binh lính và người dân Mường Choọng ngày đêm ra sức tìm Nàng. Nhưng vực nước quá sâu, đất ven dòng Nậm Choọng đào lên chất thành núi mà chẳng thấy Nàng đâu, chỉ thấy những sợi tóc thơm như hồn thiêng của Nàng còn đọng lại…
Thương nhớ Nàng, người dân Mường Choọng đã lập đền thờ Nàng ngay trên đồi đất mà trong quá trình tìm kiếm Nàng đã đắp nên - ngôi đền ấy có tên Đền Choọng. Đồi đất thấm đẫm mồ hôi và nước mắt tiếc thương ấy được người dân Mường Choọng đặt tên là Pu Đên.
Thời gian đã lùi xa gần 600 năm…đời tiếp đời người dân Mường Choọng vẫn kể cho nhau nghe về câu chuyện ấy trong niềm tự hào tôn kính. Không biết đã bao lần tôi về với Pu Đên, để trong tĩnh mịch trời chiều đắm dòng huyền thoại. Tôi nghe không biết chán, bởi như lắng trong đó tình đất, tình người Mường Choọng vẹn trọn thuỷ chung, bởi như lắng trong đó một mạch ngầm văn hoá không cạn vơi giữa dòng đời dâu bể.
Về với Pu Đên, nhè nhẹ bước, nhè nhẹ chạm vào hòn tảng rêu phong… không gian ắng lặng mà nghe như có tiếng cồng chiêng tế lễ năm nào, hư ảo khói hương một Đền Choọng thâm nghiêm với những dáng người muôn nơi về hội lễ. Chợt hiểu Pu Đên đâu còn đơn thuần là cây và đất và vì sao Mường Choọng lại gắn với danh thơm là miền quê trọng người mến khách để lớp con cháu hôm nay và mãi mãi mai sau vẫn tiếp nối- tự hào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét