Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Lịch sử Đền Choọng (phần I)

LỊCH SỬ ĐỀN CHOỌNG (PHẦN I)
Từ hôm nay “Mường Choọng một cõi đi về” sẽ lần lượt giới thiệu cuốn “Lịch sử Đền Choọng”  sưu tầm và biên soạn năm 2009. Tài liệu sẽ phần nào giúp bạn hình dung Đền Choọng thờ ai và tại sao nhiều người vẫn gọi Mường Choọng là miền quê trọng người mến khách...

LỊCH SỬ ĐỀN CHOỌNG
(Trích Lịch sử Đền Choọng do Cao Duy Thái sưu tầm và biên soạn- 2009)
LỜI NÓI ĐẦU
          Đền Choọng tọa lạc ở trung tâm Mường Choọng xưa- mảnh đất địa linh nhân kiệt, non nước hữu tình với tài nguyên thiên nhiên và đời sống tinh thần vô cùng phong phú. Lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất này gắn bó hữu cơ với cả vùng Thanh- Nghệ- Tĩnh nói chung và miền tây Nghệ An nói riêng.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Đền Choọng nay không còn nữa, nhưng dấu ấn văn hóa tâm linh của Đền Choọng thì mãi còn đây, hằn in trong thẳm sâu tâm thức của người dân Mường Choọng và tất cả những ai nặng lòng với nguồn cội xa xưa nơi mảnh đất này. Có thể nói rằng Đền Choọng mãi là một phần không thể tách rời trong tổng hòa các yếu tố văn hóa- lịch sử, định hình nên nét bản sắc riêng của mảnh đất và con người Mường Choọng nói chung và Châu Lý nói riêng.
Những văn tự cổ, những sắc phong của Đền Choọng xưa nay không con nữa, vì vậy quá trình sưu tầm, nghiên cứu về lịch sử Đền Choọng gặp rất nhiều khó khăn. Song với tấm lòng hướng về nguồn cội, góp nhặt, xâu chuỗi những mảnh vở của lịch sử qua những gì còn sót lại như huyền thoại Nang Phốm Hóm, câu chuyện kể của những nhân chứng là già làng, người nhiều tuổi đã từng tham gia tế lễ ở Đền Choọng xưa và những hiện vật thờ cúng, kiến trúc, địa danh… liên quan đến ngôi đền sẽ giúp lý giải Đền Choọng ra đời từ khi nào? Đền Choọng thờ ai? Và cả hình thái kiến trúc cũng như cách thờ cúng ở Đền Choọng năm nào.
Để có một cách nhìn khái quát về lịch sử Đền Choọng, tài liệu này sẽ chia thành 3 chương:
Chương I. Sơ lược về lịch sử Mường Chọng.
Chương II: Mường Choọng và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Chương III: Lịch sử Đền Choọng.
Chương I:
SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ MƯỜNG CHOỌNG
 I.1. Sơ lược về lịch sử Mường Choọng:
Mường Choọng là một trong năm mường xưa kia (trên đất Quỳ Hợp ngày nay) đó là:
Mường Ham
Mường Nghình
Mường Hạt
Mường Choọng
Mường Luồng
Danh xưng Mường Choọng có từ cách đây gần 600 năm (1425). Ngày ấy nghĩa quân Lam Sơn trong hành trình giải phóng miền Nghệ An đã dừng chân trên mảnh đất này để chiêu mộ binh sỹ, gom góp lương thảo, cảm kích trước  tấm lòng mến khách cũng như những đóng góp của bà con dân tộc Thái trong vùng, nghĩa quân đã đặt tên cho vùng đất này là Mường Choọng – nghĩa tiếng Thái là trọng người mến khách.
Dân cư Mường Choọng xa xưa chủ yếu là dân tộc Thái- nhóm Tày Mường hay còn gọi là Tày Chiềng. Đây là nhóm quan trọng nhất và cư trú sớm nhất so với các nhóm Thái khác ở miền núi Nghệ An.
Qua sách vở bằng tiếng Thái, nhóm Tày Mường đã lập làng ở vùng Quốc lộ 7 (Con Cuông, Tương Dương ngày nay) vào thế kỷ XIII, XIV; qua quá trình thiên di đã chọn khu vực Mường Choọng làm nơi cư trú lâu dài.
Trong thời Nguyễn và thời Pháp thuộc (1802- 1945) Mường Choọng thuộc địa phận của 1 trong 6 sách của tổng Thuần Hàm, huyện Nghĩa Đường (nay là huyện Nghĩa Đàn), các sách này sau đổi tên thành các xã như sau:
Sách Thuần Hàm nay là xã Châu Cường.
Sách tử La nay là hai xã Châu Quang và Châu Thái.
Sách Vĩnh Lộc nay là xã Châu Đình.
Sách Trọng Hợp (Choọng Hạp) nay là xã Châu Lý, Bắc Sơn, Nam Sơn.
Sách Tạo Thành nay là xã Châu Thành.
          Sau cách mạng thánh Tám năm 1945 Mường Choọng thuộc địa phận xã Khủn Tinh, huyện Quỳ Châu cũ.
Ngày 27 tháng 2 năm 1961, Hội đồng chính phủ đã ban hành quyết định số 33/CP chia xã Khủn Tinh cũ thành 6 xã mới và lấy tên là: Châu Quang, Châu Lý, Châu Đình, Châu Thái, Châu Sơn, Châu Cường. Mường Choọng thuộc địa phận xã Châu Lý từ đó đến nay.
Ngày 19 tháng 4 năm 1963, huyện Quỳ Hợp ra đời. Mường Choọng xưa thuộc địa phận xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp.
I.2. Khái quát về xã Châu Lý, Quỳ Hợp:
Xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An chính thức có tên trên bản đồ theo quyết định số 33/CP, ngày 27 tháng 2 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ.
          I.2.1. Vị trí địa lý:
Phía Bắc giáp xã Văn Lợi và Châu Đình.
Phía Nam giáp xã Bắc Sơn và một phần xã Nam Sơn.
Phía Đông giáp xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ.
Phía Tây giáp xã Châu Thái.
          I.2.2. Diện tích tự nhiên:
Xã Châu Lý có tổng diện tích tự nhiên 6.629,86 ha. Trong đó:
Đất nông nghiệp:   230, 80ha
Đất lâm nghiệp:      1.069,20ha
Đất chuyên dụng:   49,43ha
Đất ở:                    39,22ha
          I.2.3. Dân số và phân bố dân cư:
Tính đến ngày 31 tháng 6 năm 2009 toàn xã có 1.250 hộ, 7.509 nhân khẩu. Toàn xã có 16 xóm bản gồm: Bản Bàng, Bản Lờu, Bản Khúa, Bản Pạn, Bản Ngọn, Bản Cồn, Bản Xáo, Bản Bù Lỗu, Bản Na Lạn, Bản Choọng, Bản Bùng, Bản Vực, Bản Thắm, Bản Xết, Bản Bồn Bựn và Bản Dền.
          I.2.4. Đặc điểm địa hình:
Xã Châu Lý nằm trong một thung lũng rộng, có nhiều cánh đồng lúa nước lớn với nguồn tưới tiêu tương đối thuận lợi. Xung quanh xã bao bọc bởi những dãy núi, lèn đá. Dòng Nậm Choọng chia cắt xã Châu Lý dọc theo suốt chiều dài của xã; Nậm Choọng bắt nguồn từ đỉnh Pu Huống chảy qua địa phận các xã Nam Sơn, Bắc Sơn đến địa phận xã Châu Lý gặp Nậm Bìa, Nậm Xáo rồi đổ ra Châu Đình tìm về với Sông Hiếu.
          I.2.5. Vài nét về văn hóa đặc trưng:
Người Thái ở Châu Lý cơ bản còn giữ nét văn hóa bản sắc của dân tộc mình; đến nay 78% số hộ còn lưu giữ và sinh hoạt nhà sàn truyền thống, mỗi năm bà con đón hai cái Tết: Tết Độc Lập và Tết Nguyên Đán.
Tết Độc lập: ăn Tết vào này Mồng Một và Mồng Hai tháng chín dương lịch hàng năm.
Tết Nguyên Đán: ăn Tết theo phong tục đón năm mới của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, những dịp vui Tết này bà con thường đi thăm hỏi nhau, tổ chức các trò chơi như ném còn, chơi đu, đi cà kheo, thi bắn nỏ…cùng vui rượu cần- lăm vông. Người già thường nhớ về những ngày vui Lễ hội Đền Choọng- Đám Lục Ngoạt xưa tổ chức vào 2 ngày 15 và 16 tháng 6 âm lịch hàng năm. Kể cho con cháu nghe về huyền thoại Nang Phốm Hóm (Nàng Tóc Thơm), truyền thuyết Cha Lật- Cha Lợi với những tháng năm cha ông đã sát cánh cùng nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh mà nay khắp Mường Choọng còn hằn in những dấu tích như Thẩm Ông Hâu, Huồi Vang Cơ, Văng Mố Khung, Đon Khó, Đon Chợ…và về Đền Choọng- ngôi đền gắn bó mật thiết về một thời kỳ lịch sử rất đáng tự hào của quê hương.
(Còn tiếp)
                 Mời bạn xem "Lịch sử Đền Choọng- phần II"  tại đây

          * Tài liệu này có tham khảo cuốn Địa chí huyện Quỳ Hợp (giáo sư Ninh Viết Giao chủ biên), Lịch sử huyện Quỳ Hợp (viết năm 1977) và nhiều tài liệu lịch sử khác.

1 nhận xét:

  1. Sẽ có một ngày tôi đến thăm Đền Choọng. Cảm ơn những chia sẻ quý báu của tác giả.

    Trả lờiXóa