CÓ PHẢI “ĐỘNG MƯỜNG”???...
Vào hồi 14 giờ 30’ ngày 09 tháng 7 năm 2007 bà con cả mấy bản lân cận dưới chân núi đá Phá Bang (Quỳ Hợp) giật mình bởi tiếng ầm ầm vỡ núi. Giữa cái nắng chang chang dễ đến 390C, trời trong xanh không một gợn mây nhưng cả khối đá to như cái nhà từ đỉnh Phá Bang rơi xuống…
Đến bây giờ vết tích còn lại mà ở rất xa vẫn trông thấy là một vệt trắng chạy dài như nhát chém vào màu xanh cằn cỗi của dãy Phá Bang. Nhiều người bảo đó là chuyện “động Mường”...
Đến bây giờ vết tích còn lại mà ở rất xa vẫn trông thấy là một vệt trắng chạy dài như nhát chém vào màu xanh cằn cỗi của dãy Phá Bang. Nhiều người bảo đó là chuyện “động Mường”...
Bởi bao đời nay bà con người Thái vùng này quan niệm đá sập là điềm không may. Tôi đã đi tìm căn nguyên đá sập ở lèn Phá Bang, xem ra đằng sau những vụ đá sập không đơn thuần là một hiện tượng tự nhiên, mà ở đó bộc lộ cái kết cục tất yếu của cách đối xử của con người với tài nguyên thiên nhiên. Không riêng gì ở Phá Bang, chuyện đá sập ở Quỳ Hợp diễn ra thường xuyên ẩn chứa không ít điều nhức nhối.
Núi đá Phá Bang thuộc dãy núi đá vôi nằm ở Tây Nam huyện Quỳ Hợp, trước đây núi Phá Bang là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật quý hiếm, núi đá được bao phủ bởi thảm xanh của nhiều loài gỗ quý như sến, táu, chò chỉ… Trước sự tấn công của con người, các loài động vật quý hiếm đã vắng bóng ở Phá Bang, gỗ bị khai thác đến cạn kiệt. Hết các loài gỗ quý, đến gỗ tạp cũng không còn, bây giờ núi đá chỉ còn lại lúp xúp những cây nhỏ.
Cách đây thời gian chưa lâu một diện tích lớn trên Phá Bang bị cháy, cả những cội rễ ít ỏi găm vào đá cũng làm mồi cho lửa. Nên mặc dầu bây giờ màu xanh đang dần trở lại, nhưng những phiến đá lớn nằm chênh vênh vẫn có nguy cơ rời núi bất cứ lúc nào.
Vụ vở núi vừa qua âu cũng là tất yếu, hoàn toàn không phải là điềm gở - “động mường” nhưng cũng không khỏi giật mình bởi cái cách khai thác tài nguyên của chúng ta lâu nay. Nếu dõi theo thông tin báo chí sẽ thấy những vụ sập đá xẩy ra không ít ở địa bàn Quỳ Hợp. Nếu như sập đá ở Phá Bang không xuất phát từ nguyên do khai thác đá, thì ở nhiều nơi khác là do nổ mìn, khoan đá… Sập đá ở Phá Bang không gây thiệt hại về người và tài sản (do núi đá ở xa nhà dân), thì ở các vụ sập đá ở các nơi khác đã để lại những hậu quả thảm khốc. Có thể kể đến vụ sập đá năm 2005 ở Châu Cường làm 5 người thiệt mạng, hay như năm 2006, người thanh niên ở xóm Quang Minh đã bị đá vùi khi đang vận hành máy xúc, những thanh niên trai tráng mang trong mình bao hoài bão ước mơ bỗng chốc thành người thiên cổ. Và gần đây là chuyện một công ty TNHH nổ mìn khai thác đá làm sập nhà dân…
Thiên nhiên ban tặng cho Quỳ Hợp nguồn tài nguyên dồi dào, đặc biệt là những mỏ đá hoa cương, đá trắng. Theo khảo sát sơ bộ, đá trắng ở Quỳ Hợp có ở 13 xã với trữ lượng khoảng 700 triệu m3. Trong 6 tháng đầu năm 2007 Quỳ Hợp đã khai thác được 41.000 m3 đá các loại, đưa giá trị công nghiệp đạt mức 567.070 triệu đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần hình thành những khu công nghiệp ở Thung Khuộc, Châu Quang…Để có được điều đó, những khu rừng ngàn năm ngủ yên ở Quỳ Hợp đang rung chuyển bởi tiếng nổ mìn khai thác đá.
Quỳ Hợp đã ban hành đề án Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, nhưng để hạn chế tai nạn rủi ro trong khai thác tài nguyên là điều không đơn giản. Đá sập không là điềm gỡ “động Mường” nhưng là lời cảnh báo con người sẽ trả giá đắt nếu không biết cách khai thác một cách hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có.v
Cao Duy Thái- Bài viết này thực hiện năm 1997
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét