Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

Người ham chữ dưới chân núi Phá Pang

NGƯỜI HAM CHỮ DƯỚI CHÂN NÚI PHÁ PANG
Từ nhiều năm nay bà con sinh sống dưới chân dãy núi Phá Pang mạn Tây nam Quỳ Hợp thường quen với hình ảnh một “lão nông tri điền” quần xắn móng lợn khi thì làm cỏ be bờ, lúc thì cuốc cỏ, trồng cây. “Lạ” ở chỗ lão nông này chỉ xuống đồng vào thứ bảy chủ nhật và làm việc đến quên tối quên trưa…
Tìm hiểu mới hay “lão nông” ấy đã có tới hai bằng đại học và sở dĩ chỉ chỉ xuống đồng vào ngày thứ bảy chủ nhật vì các ngày còn lại trong tuần còn bận việc cơ quan, tranh thủ góp nhặt lúa ngô bỡi “lão” còn phải cùng người vợ hiền lo cho ba người con đang theo học tại các trường đại học. “Lão nông” ấy chính là anh Vy Mạnh Hùng (dân tộc Thái)- cán bộ ủy ban dân số - KHHGĐ huyện Quỳ Hợp. Sinh ra và lớn lên ở dưới chân dãy núi Phá Pang (Châu Lý, Quỳ Hợp), cái khát vọng học chữ đã ngấm vào anh từ ngày còn thơ bé. Ngày ấy khi mà cả vùng Mường Choọng lớp trẻ theo học lên cấp ba là chuyện hiếm thì cậu bé Vy Mạnh Hùng đã khăn gói quả mướp quyết chí đèn sách và đã đậu vào trường sư phạm miền núi Nghệ An. Ra trường anh tình nguyện lên gieo chữ ở xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn); những tháng năm chia sẻ ngọt bùi với bà con Đoọc Mạy anh hiểu rằng ở miền núi quê mình, người Mông hay người Thái, người Kinh …đều chân chât tấm lòng đôn hậu; anh tìm thấy tuổi thơ của chính mình ngày nào khi mà cái khát vọng học chữ cứ chất chứa trong ánh nhìn con trẻ …
Sau 5 năm gắn bó với Kỳ Sơn anh chuyển về công tác tại Huyện đoàn Quỳ Hợp, ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em, phòng tư pháp rồi Ủy ban dân số - KHHGĐ huyện. Vừa công tác vừa bổ sung kiến thức, năm 1999 anh đã tốt nghiệp đại học Luật. Bận bịu bao việc cơ quan, việc nhà nhưng anh luôn tự nhủ lòng phải để chữ cho con. Nhà cách cơ quan trên 15 km đường rừng, cứ thế anh đạp xe sớm đến cơ quan tối về lại chong đèn cùng các con kiểm tra bài vở. Được truyền lửa từ chính tấm gương vượt khó ham học của bố, ba người con của anh luôn tự bảo ban nhau gắng học hành thật tốt. Vượt lên hoàn cảnh gia đình khi tất cả chi tiêu chỉ “nhìn” vào đồng lương của bố và hai sào ruộng cùng nương ngô của mẹ, các cháu đều lần lượt thi đậu vào các trường đại học.
Trong câu chuyện cùng tôi, anh Vy Mạnh Hùng thường nhắc đến sự hi sinh thầm lặng của người vợ quanh năm tảo tần lam lũ, thứ bảy- chủ nhật hàng tuần rảnh việc cơ quan anh thường tất bật xuống ruộng lên nương cũng là để san sẻ bớt nhọc nhằn cho chị. Đồng lòng để chữ cho con, niềm vui đang về lan tỏa trong ngôi nhà nhỏ khi cháu đầu Vy Thị Oanh năm nay vừa tốt nghiệp Đại học luật với tấm bằng loại khá, cháu thứ hai- Vy Thị Yến hiện đang là sinh viên năm thứ ba Đại học Công đoàn và cháu út- Vy Văn Hòe hiện đang học năm thứ hai Học viện cảnh sát nhân dân../.v
Kadutha

Mời bạn xem bài Thần nước Vi Nam tại đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét