Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Lịch sử Đền Choọng (Phần II)

Trải qua biết bao biến cố, những văn tự cổ, những sắc phong của Đền Choọng xưa nay không còn nữa, vì vậy quá trình sưu tầm, nghiên cứu về lịch sử Đền Choọng gặp rất nhiều khó khăn. Song với tấm lòng hướng về nguồn cội, chúng tôi đã cố gắng góp nhặt, xâu chuỗi những mảnh vỡ của lịch sử qua những gì còn sót lại như huyền thoại Nang Phốm Hóm, câu chuyện kể của những nhân chứng là già làng, người nhiều tuổi đã từng tham gia tế lễ ở Đền Choọng xưa và những hiện vật thờ cúng, kiến trúc, địa danh… liên quan đến ngôi Đền.

Từ mịt mù huyền tích đã le lói nguồn sáng giúp lý giải Đền Choọng ra đời từ khi nào? Đền Choọng thờ ai? Và cả hình thái kiến trúc cũng như cách thờ cúng ở Đền Choọng năm nào.
“Mường Choọng một cõi đi về” trân trọng giới thiệu tiếp chương II cuốn Lịch sử Đền Choọng- “Mường Choọng và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn”..

LỊCH SỬ ĐỀN CHOỌNG
(tiếp theo)
(Trích Lịch sử Đền Choọng do Cao Duy Thái sưu tầm và biên soạn- 2009)

Chương II:
MƯỜNG CHOỌNG VÀ CUỘC KHỞI NGHIÃ LAM SƠN
II.1. Đôi nét về Khởi nghĩa Lam Sơn:
Mùa Xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt đồng chí hướng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn An, Lê Sát, Lưu Nhân Chú…tất cả 50 tướng văn và tướng võ chính thức phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn (trong đó có 19 người đã từng tham gia hội thề Lũng Nhai, năm 1416), xưng là Bình Định Vương, kêu gọi dân Việt đồng lòng đứng lên đánh quan xâm lược nhà Minh cứu nước. Địa danh Lam Sơn- nơi phất cờ khởi nghĩa nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Theo kế của tướng tài Nguyễn Chích, năm 1424 Lê Lợi quyết định đưa quân vào Nghệ An. Có thể nói tiến vào Nghệ An là là một bước ngoặt quan trọng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, miền núi Nghệ An (trong đó có Mường Choọng) đã góp sức người, sức của để nghĩa quân làm nên nghiệp lớn.
Năm 1428, cuộc kháng chiến thành công, Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, tức là vua Lê Thái Tổ, chính thức dựng lên nhà Hậu Lê.
II.2. Chiến dịch giải phóng Nghệ An của nghĩa quân Lam Sơn:
Chiến dịch giải phóng Nghệ An là một chiến dịch lớn của nghĩa quân Lam Sơn, chiến dịch được thực hiện trong các năm 1424- 1425 nhằm giải phóng lãnh thổ, thành lập chiến khu vững mạnh mới thay cho vùng núi Thanh Hóa, tạo bàn đạp tiến đánh và giải phóng các miền khác trong cả nước.
Vào ngày 12 tháng 10 năm 1424, nghĩa quân đánh thành Đa Căng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) mở đầu cho chiến dịch tiến vào miền núi Nghệ An. Thắng lợi ở trận Đa căng mở màn cho một loạt thắng lợi tiếp theo như trận Bồ Đằng, trận Trà Lân, trận ải Khả Lưu- Bồ ải mà sau này Nguyễn Trải đã hào sảng viết trong Bình Ngô đại cáo:
“Trận Bù Đằng sấm vang chớp dậy
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”.
Địa danh Bồ Đằng nay thuộc huyện Quỳ Châu, Trà Lân thuộc huyện Con Cuông (tiếp giáp với Anh Sơn), ải Khả Lưu thuộc vùng lèn đá tiếp giáp giữa hai huyện Quỳ Hợp và Anh Sơn ngày nay.
II.3. Mường Choọng và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:
II.3.1. Những dấu tích của nghĩa quân Lam Sơn xưa trên mảnh đất Mường Choọng:
Đã trải qua gần 600 năm lịch sử, nhưng hiện nay ở Mường Choọng còn rất nhiều địa danh, dấu tích gắn liền với hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn xưa.
- Chuyện về 2 chiếc trống đồng và chiếc vạc nuôi quân:
Tương truyền 2 chiếc trống đồng này là trống lệnh của nghĩa quân Lam Sơn, chiếc trống đồng to mỗi lần đánh lên tiếng âm vang khắp Mường Choọng đều nghe thấy. Chiếc vạc đồng này là vạc đồng đặc biệt dùng để nuôi quân, nó đủ lớn để luộc được cả một trâu đực to trong mỗi lần thổi lửa.
Đây là các hiện vật gắn liền với nghĩa quân được người dân Mường Choọng suy tôn là vật thiêng và chỉ dùng vào việc tế lễ ở Đền Choọng; hàng năm khi bắt đầu vào Đám Lục Ngoạt (rằm tháng sáu âm lịch) dân bản sẽ làm lễ xin đưa trống và vạc đồng về phục vụ tế lễ tại Đền Choọng- cách nơi cất giữ trống và vạc đồng chừng 4km; tế lễ xong lại lau rửa cẩn thận và mang về chỗ cũ. 
Vì là vật thiêng nên việc cất giữ các hiện vật này cũng rất đặc biệt và dòng họ Lương ở Mường Choọng có nhiệm vụ canh giữ các vật thiêng này. Chiếc trống đồng được cất ở hang núi Thẩm Coọng (hang núi này hiện vẫn còn và thuộc Bản Dền xã Châu Lý); chiếc vạc đồng được đặt trang trọng trên hòn đá to giữa lòng một cây si già rậm rạp cuối Bản Dền, hòn đá này nay vẫn còn chỗ gần với đường vào danh thắng Thác Bìa. Hai địa danh này nằm trên trục đường hành quân của nghĩa quân Lam Sơn tiến đánh thành Trà Lân trước đây.
Hai hiện vật này nhiều người già ở Châu Lý còn tận mắt nhìn thấy và mới chỉ bị thất lạc trong thời gian gần đây.
- Huồi Vang Cơ:
Huồi Vang Cơ- tiếng Thái nghĩa là suối bỏ cờ- một địa danh thuộc Bản Bàng, xã Châu Lý ngày nay. Tương truyền đây là nơi mà nghĩa quân cất giữ các lá cờ chiến trận. Ven dòng suối này lúc khai hoang làm ruộng người dân Bản Bàng còn phát hiện được một số vũ khí như gươm, chùy…
- Pu Canh Vệ (nhiều người đọc chệch là Pu Cai Vệ):
Pu Canh Vệ nay thuộc Bản Lấu xã Châu Lý ngày nay, tương truyền xưa kia trên ngọn đồi này có điếm canh của nghĩa quân, nhằm canh gác từ xa kho lương tại Đon Kho và doanh trại của nghĩa quân ở trung tâm Mường Choọng).
- Văng Mố Khung:
 Địa danh Văng Mố Khung thuộc Bản Choọng xã Châu Lý ngày nay, tương truyền đây là nơi xưa kia nghĩa quân luyện tập bắn súng.
- Đon Khó, Đon Chợ:
Các địa danh này thuộc vùng giáp ranh giữa Bản Thắm và Bản Choọng xã Châu Lý ngày nay. Đon Khó là nơi xưa kia nghĩa quân dựng nhà kho cất trữ lương thảo, vũ khí. Đon Chợ là nơi xưa kia nghĩa quân giao lưu, họp chợ với bà con trong vùng.
- Thẩm Ông Hâu:
Thẩm Ông Hâu là hang núi vùng giáp ranh giữa xã Bắc Sơn và Châu Lý ngày nay. Tương truyền đây là nơi xưa kia Lê Lợi nghỉ ngơi, bàn bạc việc quân chuẩn bị cho các trận đánh Trà Lân và trận Bồ ải- Phá Lưu. Người Mường Choọng xem đây là hang thiêng mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ.
          II.3.2. Vai trò của Mường Choọng đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:
Như trên đã đề cập, miền núi Nghệ An trong đó có mường Choọng có một vai trò hết sức đặc biệt đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Chính nơi đây đồng bào các dân tộc anh em đặc biệt là đồng bào dân tộc Thái đã sát cánh dưới ngọn cờ đại nghĩa của nghĩa quân, hết lòng đóng góp sức người sức của cho nghĩa quân đánh giặc.
Nghiên cứu các tài liệu nói về chiến dịch giải phóng Nghệ An của nghĩa quân Lam Sơn, khảo sát chuỗi những địa danh liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên địa bàn miền tây Nghệ An trải dài khắp từ Quỳ Châu, Quỳ Hợp đến Anh Sơn, Con Cuông ngày nay. Có thể khẳng định chắc chắn rằng Mường Chọng chính là điểm dừng chân tuyển quân và gom góp lương thực của nghĩa quân.
Có thể hình dung sau khi đánh trận Bồ Đằng (Quỳ Châu), nghĩa quân xuôi đường ven dòng sông Hiếu về dựng trại luyện binh tại vùng Bãi Tập (xã Tam Hợp, Quỳ Hợp). Vào quảng thời gian cuối năm 1424 đầu năm 1425, từ Bãi Tập, nghĩa quân ngược đường ven dòng Nậm Choọng đi qua Huồi Vang Cơ (Bản Bàng, Châu Lý) và dừng chân ngay tại vùng thung lũng thuộc Bản Choọng, xã Châu Lý ngày nay (cách Bãi Tập chừng 20km) để tuyển mộ binh sĩ, huấn luyện tân binh và gom góp lương thực. Nghĩa quân đã dựng điếm canh trên Pu Canh Vệ (Bản Lấu, Châu Lý) và vùng Đon Khó (Bản Choọng, Châu Lý) được chọn để làm nơi tập kết lương thảo chuẩn bị cho việc đánh đánh thành Trà Lân.
Cảm kích trước tấm lòng mến khách cũng như những đóng góp của bà con dân tộc Thái trong vùng, nghĩa quân đã đặt tên cho vùng đất này là Mường Choọng – nghĩa tiếng Thái là trọng người mến khách. Cái tên Mường Choọng rất đỗi tự hào gắn với vùng đất này từ đó.
Từ vùng trung tâm Mường Choọng nghĩa quân hành quân men theo chân dãy lèn Pha Bó ngược dòng Nậm Bìa, dừng chân tại Thẩm Ông Hâu (Bắc Sơn, Quỳ Hợp) để bàn cách công thành và sau đó vượt ải Khả Lưu (gần Thung Phò, giáp ranh giữa xã Bắc Sơn- Quỳ Hợp và xã Thọ Sơn- Anh Sơn ngày nay) để đánh thành Trà Lân. Thành Trà Lân nằm cách trung tâm Mường Choọng khoảng 55km là một sơn thành tọa lạc trên một trái núi ở bờ bắc sông Lam, chỗ hợp lưu giữa sông Con với sông Lam thuộc địa phận xã Bồng Khê, huyện Con Cuông ngày nay. Sau hai tháng vây đánh nghĩa quân đã chiếm được thành Trà Lân và xây dựng nơi đây thành một căn cứ hùng mạnh khống chế cả vùng miền núi Nghệ An. 
(Còn tiếp)
Mời bạn xem "Lịch sử Đền Choọng- phần III" tại đây
          * Tài liệu này có tham khảo cuốn Địa chí huyện Quỳ Hợp (giáo sư Ninh Viết Giao chủ biên), Lịch sử huyện Quỳ Hợp (viết năm 1977) và nhiều tài liệu lịch sử khác.

1 nhận xét: