Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Lịch sử Đền Choọng (phần III)

LỊCH SỬ ĐỀN CHOỌNG
...“Ngày ấy cách đây gần 600 năm, và câu chuyện về Nàng được đời tiếp đời người dân Mường Choọng vẫn kể cho nhau nghe trong niềm tự hào tôn kính, câu chuyện ấy mang tên "Huyền thoại Nang Phốm Hóm- Nàng Tóc Thơm”…

LỊCH SỬ ĐỀN CHOỌNG
(tiếp theo)
(Trích Lịch sử Đền Choọng do Cao Duy Thái sưu tầm và biên soạn- 2009)

Chương III:
LỊCH SỬ ĐỀN CHOỌNG
III.1. Đền Choọng trong hệ thống đền, miếu, nhà thờ trên địa bàn Quỳ Hợp:
Theo nghiên cứu của các nhà văn hóa thì các bản người Thái ở Quỳ Hợp thường có cái miếu nhỏ làm theo kiểu chòi, to thì bằng gỗ đẽo thưng ván, có cầu thang lên; nhỏ thì làm bằng tre nứa, đứng ở dưới đất cũng có thể đặt mâm cúng được. Trong mỗi cái miếu như vậy thường có cái bàn thờ thô sơ, có bản miếu chỉ là cái bàn thờ sơ sài đặt ngay giữa lùm cây, dưới gốc cây hay treo lơ lửng tại một cây cổ thụ nào đó. Gọi là bàn thờ, nhưng chỉ là tấm ván nhỏ trên đặt cái bát hương, vài cái chén nhỏ để đựng rượu mà thôi, nó không ra hình thù đặc trưng của một tôn giáo nào cả. Đồng bào gọi đó là “Lẵc xưa” trong thờ ông Pủ xưa (hồn áo) tức là ông Thần áo.
ở các Mường thuộc địa bàn Quỳ Hợp ngày nay đều có các ngôi Đền.
- Mường Nghình (Châu Hồng) tại bản Piềng Tò có đền thờ hai anh em họ Quán Vi đến khai phá lập Mường.
- Mường Ham (Châu Cường) tại bản Mường Ham có đền thờ Tạo Nọi.
- Mường Choọng (Châu Lý) có đền Choọng thờ Nang Phốm Hóm (nàng tóc thơm) tương truyền nàng là người con gái Thái, vợ của một tướng tài trong khởi nghĩa Lam Sơn, là người có công lớn giúp nghĩa quân Lam Sơn chống giặc.
Tất cả các đền kể trên ngày nay không còn nữa nhưng theo lời kể của người dân và dấu tích còn sót lại thì Đền Choọng là đáng chú ý hơn cả bởi sự bề thế và phạm vi ảnh hưởng không chỉ ở Mường Choọng mà còn tới khắp các mường lân cận.
III.2. Lịch sử ra đời và “người” được thờ cúng ở Đền Choọng:
Như chương II đã lý giải mảnh đất Mường Choọng có một vai trò rất đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vùng đất này là nơi nghĩa quân lưu lại để tuyển quân, gom góp lương thực phục vụ cho chuỗi trận đánh chống quân Minh trên miền tây Nghệ An.
Có thể hình dung chính trong quá trình lưu lại nơi này (vào khoảng năm 1425), một tướng tài của nghĩa quân đã đem lòng yêu thương và hẹn thề nên duyên chồng vcùng một người con gái Thái đẹp người đẹp nết trong vùng. Chính nàng được nghĩa quân tin cậy giao phó đảm trách sứ mệnh chỉ huy việc gom góp lương thực nuôi quân.
Người con gái ấy chính là Nang Phốm Hóm. Như hội tụ khí thiêng đất trời, ngay từ lúc sinh ra Nàng đã có được nét thông minh, lanh lợi khác người, đặc biệt là mái tóc nàng luôn thoang thoảng hương thơm hoa rừng. Nàng đi tới đâu là mang theo may mắn và niềm vui tới đó. Không quản ngại vất vả, Nàng đã đến từng nhà hướng dẫn bà con trong vùng làm ra thật nhiều lúa gạo, dệt nên nhiều tấm vải phục vụ nghĩa quân kháng chiến trường kỳ.
Tướng quân cùng nghĩa quân chinh chiến dặm trường, hết đánh trận Trà Lân, đến trận Độ Gia, giải phóng miền tây rồi giải phóng cả vùng Hoan Châu rộng ln…Dõi theo tin thắng trận của nghĩa quân, Nàng cùng dân bản càng ra sức cấy trồng, ươm tơ dệt vải làm tròn vai trò miền hậu phương lớn.
Chiều chiều sau khi cắt đặt công việc xong xuôi Nàng thường ra bến nước ven dòng Nậm Choọng để gội đầu. Một buổi chiều nọ trong nỗi nhớ mong đức lang quân đang dọc ngang trên chiến trận, lúc gội đầu nàng đã thẫn thờ vô ý làm rơi chiếc lược, với tay vớt lược và bị nước cuốn xuống vực sâu…
Nhận được tin vợ mất, tướng quân cùng binh lính tức tốc tìm về. Trong nỗi xót thương Nàng đến tột cùng, tướng quân cùng binh lính và người dân Mường Choọng ngày đêm ra sức tìm Nàng. Nhưng vực nước quá sâu, đất ven dòng Nậm Choọng đào lên chất thành núi mà chẳng thấy Nàng đâu, chỉ thấy những sợi tóc thơm như hồn thiêng của Nàng còn đọng lại.
Thương nhớ Nàng, người dân Mường Choọng đã lập đền thờ Nàng ngay trên đồi đất mà trong quá trình tìm kiếm Nàng đã đắp nên- Ngôi đền ấy có tên Đền Choọng. Tự trong tâm thức của người dân Mường Choọng, Nang Phốm Hóm là biểu tượng đẹp về công- dung- ngôn- hạnh của người con gái Thái, là biểu tượng kết tinh từ tình đoàn kết anh em hai dân tộc Thái và Kinh.
Ngày ấy cách đây gần 600 năm, và câu chuyện về Nàng được đời tiếp đời người dân Mường Choọng vẫn kể cho nhau nghe trong niềm tự hào tôn kính, câu chuyện ấy mang tên huyền thoại Nang Phốm Hóm- Nàng Tóc Thơm.
III.3. Vị trí địa lý Đền Choọng:
Đền Choọng tọa lạc trên đồi đất hình mâm xôi có tên gọi là Pu Đên thuộc Bản Choọng, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp ngày nay.
          Xét về mặt phong thủy thì đây là một vị trí hết sức đặc biệt, tuy ngọn đồi này không cao nhưng từ trên đỉnh đồi có thể “thấy” được hầu hết các bản làng ở Mường Choọng, từ bản Xết, Bản Vực đến Bản Thắm, Bản Cồn…ở Mường Choọng hiếm có một vị trí nào đắc địa như thế này. Đền hướng về phía bắc, trước mặt Đền ngày xưa có con đường liên bản nối Bản Choọng, Bản Vực với Bản Cồn, Bản Khúa…Khi Lâm trường Quỳ Hợp mở đường khai thác gỗ đi tắt từ Bản Pu Lâu qua Bản Na Lạn lên Bản Choọng thì con đường nay ít người qua lại và nay thì không còn nữa.
Dưới chân Pu Đên là dòng Nậm Choọng ngày đêm rì rào tuôn chảy về xuôi. ở đây có vực nước sâu tương truyền là chỗ Nang Phốm Hóm bị nước cuốn trôi. Bãi đất rộng trước đền là chỗ ngày xưa dân thập phương về tham gia Đám Lục Ngoạt trao đổi hàng hóa, xem diễn tích trò…
          Xa hơn một chút, phía Bắc Đền Choọng là dãy Pu Choọng thoai thoải, phía Đông Đền Choọng là dãy lèn đá Đồng Vình, Phía Nam và Tây Nam là dãy Pu Xúng như bức tường thành sừng sững. Có thể nói Đền Choọng nằm ngay chính giữa trung tâm Mường Choọng xa xưa.
          III.4. Đặc điểm kiến trúc:
          Có câu ca truyền rằng:
“Lăng bường tờ xâu phăng
Lăng nưa xa lắp tằng tàng
Màng xuồi Đên Choọng
Đầy pét va pai
Cái páy cái pa
Chủ côn xiếng dàn
Co Pạng pình Đên Choọng
Xung lự tang lai”
(Tiếng Thái)
          Tạm dịch nghĩa:
ở Đền Choọng
Nhà bên dưới cột chôn
Nhà bên trên lắp xà dựng trên tảng
Máng nước giữa hai nhà Đền Choọng
Dài tám sải rưỡi
Người đi qua đi lại
Đều cảm thấy uy nghiêm
Đền Choọng có hai cây Khủa
Cao hơn mọi cây trong Mường
Câu ca này được lưu truyền ở Mường Choọng, cùng với lời kể của các cụ già đã từng được chứng kiến Đền Choọng khi chưa bị phá dỡ. Có thể hình dung rằng tòan bộ Đền Choọng xưa có 2 nhà dựng liền kề nhau (cùng chung máng nước).

 Nhà trên (thượng điện) kết cấu 3 gian kiểu nhà kê, kẻ chuyền chụp tất cả làm bằng gỗ lim. Kẻ chuyền chụp, ván ấm được chạm trổ tinh xảo (nay còn một đoạn ván ấm lưu giữ tại nhà bà Phiệt, Bản Xết, Châu Lý). Kẻ chuyền chụp được chạm trổ cách điệu thành hình rồng chầu, đầu rồng là đầu kẻ có gắn hai mắt ngọc làm bằng đá hồng, đuôi 2 rồng giao nhau là chỗ đặt thượng ốc, 4 vì nhà là 8 con rồng chầu rất đẹp.
Chính giữa thượng điện, trên bàn thờ chính thờ Nang Phốm Hóm có đặt hạt lúa to bằng quả bí (20x80cm), vỏ hạt lúa này làm bằng gỗ, trong quả lúa này đựng gạo để thờ. Bên cạnh bàn thờ là bức tượng tạc hình người con gái đang ngồi chải tóc. Điều này lý giải phần nào vì sao nói Đền Choọng thờ Nàng Phốm Hóm- người có công nuôi quân chống giặc.
Nhà dưới (hạ điện): kết cấu 3 gian bằng gỗ lim, cột chôn. Nơi này chủ yếu để uống nước, họp bàn, chuẩn bị lễ để lên đền chính.
Cả hai ngôi nhà trên đều lợp bằng tranh cọ, xung quanh thưng ván chắc chắn. Vết tích còn lại ngày nay là nền đất dựng đền xưa và 14 hòn tảng kê chân cột.

 III.5. Nghi lễ thờ cúng:
Hàng năm đền Choọng có 2 lễ chính: Đám Lục ngoạt và lễ Tất niên.
          III.5.1. Đám Lục ngoạt:
Đám Lục ngoạt được tổ chức vào 2 ngày 15 và 16 tháng 6 âm lịch hàng năm, (đây rất có thể là ngày giỗ của Nang Phốm Hóm).
Trình tự tổ chức Đám Lục ngoạt như sau:
Hai giờ chiều, ngày 15 tháng 6 âm lịch bắt đầu tiến hành lễ rước linh giá từ Đền chính vượt qua dòng Nậm Choọng xuống Đình Mường Choọng (Đình Mường Choọng nay không còn nữa, vị trí đình xưa nằm cạnh những cây Muỗm già cuối Bản Choọng ngày nay). Những người có chức sắc trong vùng và người dân Mường Choọng, khách thập phương cùng tham gia lễ rước.
Đi đầu đoàn rước là phường trò với xiêm áo rực rỡ vừa đi vừa hát chúc thần:
“Chúc thần đã rõ
Chúc thọ đã rồi
Nay chúc cho các quan viên bộ thọ ta nay cha làm nên quan con cũng làm nên quan. Chúc cho Mường Choọng ta mãi mãi yên lành ngô lúa tốt tươi, người người khỏe mạnh…”
Tiếp đến là 8 trai bản khiêng kiệu, trên kiệu có án thờ linh giá, hai người cầm lọng vàng đi hai bên để che kiệu (hai chiếc kiệu này hiện còn lưu giữ cùng hương án thờ tại nhà già Vi Văn Hương ở Bản Choọng, xã Châu Lý), đi sau kiệu là 4 người mang khiên kiếm hộ vệ. Đoàn người cờ quạt bước theo sau.
Xuống đến Đình Choọng một chính tế và hai bồi tế lo phần cầu cúng rót rượu vào 4 “chén” là con voi bằng đồng ruột rỗng (mỗi con voi đựng được khoảng một lít rượu) dâng lên bàn thờ làm lễ cúng.
Cầu khấn xong, tiếng trống đồng nổi lên, tiếng ngân vang khắp Mường Choọng báo hiệu mở hội Lục Ngoạt.
(Như đã đề cập ở chương II, chiếc trống đồng này nguyên là trống lệnh của nghĩa quân Lam Sơn và được người dân Mường Choọng suy tôn là vật thiêng và chỉ dùng vào việc tế lễ ở Đền Choọng. Trống được cất giữ ở hang núi Thẩm Coọng (Bản Dền, Châu Lý), trước khi mang trống về phục vụ hành lễ Đám Lục Ngoạt phải làm lễ rước trống; tế lễ xong lại lau rửa cẩn thận và mang về chỗ cũ). 
Bảy giờ tối, các trai bản dắt con trâu đực vào (phải là trâu tơ chưa giao phối, chưa xâu mũi và thường là trâu đực đen). Chính tế làm lễ xin mổ trâu và sau đó trai bản dắt trâu ra làm thịt. Đâm tiết xong trâu được dội nước sôi để cạo lông (không lột da hay thui lông), khóet bụng lấy phần da trắng ở bụng áp lên đầu và sừng. Toàn bộ lòng được lấy ra nhưng chỉ lấy một phần để làm ba mâm cúng.
Mười giờ đêm, trâu đã được cạo lông mổ ruột xong được khiêng vào cúng tại chính Đình, trâu ở tư thế chầu, đầu cách mặt đất khoảng 80cm; ba mâm cúng gồm oản xôi, lòng và ít thịt trâu được dâng lên. Lế cúng được kéo dài thâu đêm.
Đêm 15 tháng sáu, Đền Choọng, Đình Choọng đèn nến sáng trưng, khắp Mường Choọng đều vui náo nức, mọi người gặp nhau, thăm nhau tuần rượu cần, hát cho nhau nghe câu lăm câu xuối. Trai bản gái mường bên nhau hẹn hò tình tự trao duyên. Tại khoảng sân rộng phía trước Đền Choọng, phường trò biểu diễn các tích trò thu hút đông đảo khách thập phương và người dân Mường Choọng tới xem.
Bảy giờ sáng hôm sau (16/6 âm lịch) trâu cúng được mang ra xẻ thịt, dọn cổ, thịt trâu được luộc trong chiếc vạc đồng lớn.
(Như đã đề cập ở chương II, chiếc vạc đồng này nguyên là chiếc vạc nuôi quân của nghĩa quân Lam Sơn, được người dân Mường Choọng suy tôn là vật thiêng. Vạc được cất giữ ở hòn đá lớn nằm cuối Bản Dền, xã Châu Lý ngày nay. Trước khi mang vạc về phục vụ lễ hội Lục Ngoạt, dân bản phải làm lễ xin rước vạc đồng, sau khi lễ hội xong vạc đồng được lau rửa cẩn thận và trả về chổ cũ).
 Chín giờ sáng ngày 16 tháng 6 âm lịch tổ chức rước kiệu về Đền Choọng với không khí trang nghiêm. Chính tế, bồi tế tiến hành lễ cúng, lời cúng được cúng bằng tiếng Kinh với nội dung cầu cho mưa thuận gió hòa, bản mường yên bình, cây trái tốt tươi. Cầu cho những người có chức sắc tâm sáng sức bền để lo việc bản việc mường chu toàn, con dân Mường Choọng có sức khỏe dồi dào học hành đỗ đạt, làm ra nhiều của cải…
Sau lễ cúng, trai gái Mường Choọng và các mường lân cận về dự lễ sẽ chính thức vào hội đua tài như thi đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ, kéo co, đi cà kheo…
Cuối chiều ngày 16 tháng sáu âm lịch hạ lễ, người mường gần, mường xa bịn rịn chia tay nhau hẹn năm sau gặp lại.
III.5.1. Lễ Tất niên:
Lễ Tất niên được tổ chức vào ngày 25 tháng chạp âm lịch hàng năm, tổ chức ngay tại đền, không tổ chức rước linh giá về đình như đám lục ngoạt.
Lễ vật cúng tất niên gồm: xôi oản, xôi hông chín được đổ vào khuôn là ống nứa cắt ngắn sau đó úp lên lá mít thành những oản tròn đều nhau. Mâm cúng với rất nhiều món được chế biến từ cá, thịt, trứng gà…
          III.5.3. Đôi điều liên quan đến nghi lễ thờ cúng ở Đền Choọng:
Như trên đã đề cập, qua quá trình thu thập tài liệu, gặp mặt rất nhiều người cao tuổi ở Mường Choọng đã từng chứng kiến và nghe cha mẹ mình nói lại về việc cúng tế ở Đền Choọng, có một điểm khẳng định chắc chắn rằng lời văn cúng ở Đền Choọng là tiếng phổ thông (khác với Đền Chín Gian ở Quế Phong, Đền Tạo Nọi ở Mường Ham lời cúng bằng tiếng Thái).
 Để lý giải điều này xin trở về với mối lương duyên mang đậm dấu ấn lịch sử giữa vị tướng tài của nghĩa quân Lam Sơn (người Kinh) với Nang phốm Hóm- người con gái Thái tài sắc vẹn toàn. Chính mối lương duyên này đã thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa hai dân tộc anh em Kinh và Thái, thêm sức mạnh để nghĩa quân Lam Sơn chống giặc ngoại xâm. Lẽ thường “xuất giá tòng phu” Nàng làm vợ của Tướng quân, làm dâu của một dòng họ người Kinh nên khi thác về được cúng theo phong tục- lời cúng tiếng Kinh cũng là điều hợp lẽ.
Cũng liên quan đến nghi lễ thờ cúng ở Đền Choọng đặc biệt là Đám Lục ngoạt luôn phải có sự tham gia của các phường trò (giống như đội văn công ngày nay) với các tích trò, hát chúc thần, ca trù, chầu văn… mà có hẳn một đội phường trò từ mạn Tân Kỳ lên biểu diễn, năm này qua năm khác, Mường Choọng đã cắt hẳn vùng đất để cho phường trò dựng trại, vùng đất ấy chính là Bản Xết, xã Châu Lý ngày nay.

KẾT LUẬN
Trong ký ức của nhiều người cao tuổi ở Mường Choọng- xã Châu Lý ngày nay còn đọng lại hình ảnh thâm nghiêm cổ kính của Đền Choọng xưa với câu chuyện về nghĩa quân Lam Sơn, về Nang Phốm Hóm tóc thơm lung linh huyền thoại. Từ những miền ký ức ấy và những cứ liệu thu thập được chúng tôi chép nên mạch sử này, mong muốn từ đây có một cái nhìn chân xác hơn về một ngôi đền thiêng gần 600 năm tuổi.
Với vốn kiến thức và điều kiện nghiên cứu còn hạn hẹp, những trang sử này sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong nhận được sự góp ý và lượng thứ của những ai quan tâm. Trong suốt quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy rằng từ sâu thẳm tâm linh, Đền Choọng sẽ mãi còn trong lòng người dân Mường Choọng và khôi phục Đền Choọng là tâm nguyện của hết thảy người dân trên mảnh đất này.


                                             Mường Choọng, rằm tháng Sáu năm Kỷ Sửu
                                                                  Cao Duy Thái
* Tài liệu này có tham khảo cuốn Địa chí huyện Quỳ Hợp (giáo sư Ninh Viết Giao chủ biên), Lịch sử huyện Quỳ Hợp (viết năm 1977) và nhiều tài liệu lịch sử khác.
             Mời bạn xem bài liên quan  tại đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét