Cùng với mái đình, cây đa, giếng nước…tự bao đời cổng làng đã trở thành một biểu tượng văn hóa trong tâm thức mỗi người dân đất Việt..
Dọc dài muôn nẻo miền xa dễ nhận thấy những năm qua cổng làng đã được xây dựng ngày một nhiều thêm trên khắp các miền quê. Sự hiện hữu của những cổng làng uy nghi đã thực sự tô đẹp thêm cho bộ mặt làng quê trên bước đường đổi mới. Tuy nhiên bên cạnh yếu tố tích cực, thời gian qua việc xây dựng cổng làng và để cổng làng thực sự mang những nét đẹp văn hóa còn không ít những điều cần lưu tâm, chấn chỉnh.
Dọc dài muôn nẻo miền xa dễ nhận thấy những năm qua cổng làng đã được xây dựng ngày một nhiều thêm trên khắp các miền quê. Sự hiện hữu của những cổng làng uy nghi đã thực sự tô đẹp thêm cho bộ mặt làng quê trên bước đường đổi mới. Tuy nhiên bên cạnh yếu tố tích cực, thời gian qua việc xây dựng cổng làng và để cổng làng thực sự mang những nét đẹp văn hóa còn không ít những điều cần lưu tâm, chấn chỉnh.
Trước hết là chuyện thiết kế- thi công và lựa chọn điểm xây cổng làng. Để có sự nhất quán trong việc xây dựng cổng làng, ngành văn hóa- thông tin một số nơi đã ban hành văn bản hướng dẫn và mẫu thiết kế cổng làng. Từ hướng dẫn và những bản bản thiết kế mẫu, nhiều nơi đã sáng tạo xây dựng những cổng làng đảm bảo quy chuẩn và yêu cầu thẩm mĩ. Tuy nhiên vẫn còn đó không ít cổng làng được xây dựng sơ sài, địa điểm xây dựng chưa thật đẹp. Một số cổng làng vi phạm hành lang an toàn giao thông, vị trí xây cổng ở gần điểm giao nhau của các ngả đường nhưng lại để cánh gà hai bên cổng che khuất tầm nhìn của người qua lại.
Viết gì lên cổng làng cũng là việc đáng bàn. Rất nhiều làng đã thực sự quan tâm đến điều này, từ chọn câu đối, khẩu hiệu đến phông chữ, màu chữ... Nhờ đó câu chữ trên những cổng làng này về hình thức đảm bảo yêu cầu thẩm mĩ, về nội dung vừa hàm chứa những giá trị văn hóa thể hiện tinh thần đoàn kết phấn đấu của làng, vừa như lời nhắc nhở mỗi người dân trong làng sống xứng đáng với truyền thống ông cha. Nhưng vẫn có một số nơi đã khoán trắng cho cánh thợ mặc sức vẽ vời diêm dúa, sắp xếp câu chữ ngô nghê, làm mất đi nét đẹp mà cổng làng cần có.
Một điều đáng buồn là không ít cổng làng được xây lên cho kịp đón nhận danh hiệu “Làng văn hóa” và sau đó bị… bỏ quên. Người viết bài này đã không khỏi chạnh lòng khi vào thăm “Làng văn hóa” nọ, tận mắt thấy cổng làng chữ bị sứt sẹo, căng mắt vẫn không hiểu dòng chữ ở trên đó là gì, cờ vui thì te tua bởi dãi dầu nắng mưa mà lâu lắm không được dân làng thay mới. Cần lắm sự quan tâm cất nhắc thấu đáo trong việc xây dựng cổng làng. Xin đừng “bỏ quên” cổng làng, để cổng làng luôn hiện hữu uy nghi, làm đẹp thêm những làng quê văn hóa.
Cao Duy Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét