NHO GIÁO
Cơ sở của Nho giáo được hình thành từ thời Tây Chu, đặc biệt với sự đóng góp của Chu Công Đán, còn gọi là Chu Công. Đến thời Xuân Thu, xã hội loạn lạc, Khổng Tử (sinh năm 551 trước công nguyên) phát triển tư tưởng của Chu Công, hệ thống hóa và tích cực truyền bá các tư tưởng đó. Chính vì thế mà người đời sau coi ông là người sáng lập ra Nho giáo.
Cũng giống như nhiều nhà tư tưởng khác trên thế giới như Thích Ca Mầu Ni, Giê-xu,... người đời sau không thể nắm bắt các tư tưởng của Khổng tử một cách trực tiếp mà chỉ được biết các tư tưởng của ông bằng các ghi chép do các học trò của ông để lại. Khó khăn nữa là thời kỳ "đốt sách, chôn Nho" của nhà Tần,vào khoảng hai trăm năm sau khi Khổng Tử qua đời, khiến cho việc tìm hiểu tư tưởng gốc của Khổng Tử càng khó khăn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đời sau vẫn cố gắng tìm hiểu và hệ thống các tư tưởng và cuộc đời của ông.
Nho giáo nguyên thủy
Thời Xuân Thu, Khổng Tử đã san định, hiệu đính và giải thích bộ Lục kinh gồm có Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu và Kinh Nhạc. Về sau Kinh Nhạc bị thất lạc nên chỉ còn năm bộ kinh thường được gọi là Ngũ kinh. Sau khi Khổng Tử mất, học trò của ông tập hợp các lời dạy để soạn ra cuốn Luận ngữ. Học trò xuất sắc nhất của Khổng Tử là Tăng Sâm, còn gọi là Tăng Tử, dựa vào lời thầy mà soạn ra sách Đại học. Sau đó, cháu nội của Khổng Tử là Khổng Cấp, còn gọi là Tử Tư viết ra cuốn Trung Dung. Đến thời Chiến Quốc, Mạnh Tử đưa ra các tư tưởng mà sau này học trò của ông chép thành sách Mạnh Tử. Từ Khổng Tử đến Mạnh Tử hình thành nên Nho giáo nguyên thủy, còn gọi là Nho giáo tiền Tầnđời Tần), Khổng giáo hay "tư tưởng Khổng-Mạnh". Từ đây mới hình thành hai khái niệm, Nho giáo và Nho gia. Nho gia mang tính học thuật, nội dung của nó còn được gọi là Nho học; còn Nho giáo mang tính tôn giáo. Ở Nho giáo, Văn Miếu trở thành thánh đường và Khổng Tử trở thành giáo chủ, giáo lý chính là các tín điều mà các nhà Nho cần phải thực hành. (trước
Hán Nho
Đến đời Hán, Đại Học và Trung Dung được gộp vào Lễ Ký. Hán Vũ Đế đưa Nho giáo lên hàng quốc giáo và dùng nó làm công cụ thống nhất đất nước về tư tưởng. Và từ đây, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống bảo vệ chế độ phong kiến Trung Hoa trong suốt hai ngàn năm. Nho giáo thời kỳ này được gọi là Hán Nho. Điểm khác biệt so với Nho giáo nguyên thủy là Hán Nho đề cao quyền lực của giai cấp thống trị, Thiên Tử là con trời, dùng "lễ trị" để che đậy "pháp trị".
Tống Nho
Đến đời Tống, Đại Học, Trung Dung được tách ra khỏi Lễ Ký và cùng với Luận ngữ và Mạnh Tử tạo nên bộ Tứ Thư. Lúc đó, Tứ Thư và Ngũ Kinh là sách gối đầu giường của các nhà Nho. Nho giáo thời kỳ nay được gọi là Tống nho, với các tên tuổi như Chu Hy (thường gọi là Chu Tử), Trình Hạo, Trình Di. (Ở Việt Nam, thế kỷ thứ 16, Nguyễn Bỉnh Khiêm rất giỏi Nho học nên được gọi là "Trạng Trình"). Phương Tây gọi Tống nho là "Tân Khổng giáo". Điểm khác biệt của Tống nho với Nho giáo trước đó là việc bổ sung các yếu tố "tâm linh" (lấy từ Phật giáo) và các yếu tố "siêu hình" (lấy từ Đạo giáo) phục vụ cho việc đào tạo quan lại và cai trị.
Các sách kinh điển
Các sách kinh điển của Nho giáo đều hình thành từ thời kỳ Nho giáo nguyên thủy. Sách kinh điển gồm hai bộ: Ngũ Kinh và Tứ Thư. Hệ thống kinh điển đó hầu hết viết về xã hội, về những kinh nghiệm lịch sử Trung Hoa, ít viết về tự nhiên. Điều này cho thấy rõ xu hướng biện luận về xã hội, về chính trị, về đạo đức là những tư tưởng cốt lõi của Nho gia.
1. Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ. Khổng Tử san định thành 300 thiên nhằm giáo dục mọi người tình cảm trong sáng lành mạnh và cách thức diễn đạt rõ ràng và trong sáng. Một lần, Khổng Tử hỏi con trai "học Kinh Thi chưa?", người con trả lời "chưa". Khổng Tử nói "Không học Kinh Thi thì không biết nói năng ra sao" (sách Luận ngữ).
2. Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử. Khổng Tử san định lại để các ông vua đời sau nên theo gương các minh quân như Nghiêu, Thuấn chứ đừng tàn bạo như Kiệt, Trụ.
3. Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước. Khổng Tử hiệu đính lại mong dùng làm phương tiện để duy trì và ổn định trật tự. Khổng Tử nói: "Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời" (sách Luận ngữ).
4. Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái,... Đời Chu, Chu Văn Vương đặt tên và giải thích các quẻ của bát quái gọi là Thoán từ. Chu Công Đán giải thích chi tiết nghĩa của từng hào trong mỗi quẻ gọi là Hào từ. Kinh Dịch thời Chu gọi là Chu Dịch. Khổng Tử giảng giải rộng thêm Hoán từ và Hào từ cho dễ hiểu hơn và gọi là Thoán truyện và Hào truyện.
5. Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê của Khổng Tử. Khổng Tử không chỉ ghi chép như một sử gia mà theo đuổi mục đích trị nước nên ông chọn lọc các sự kiện, ghi kèm các lời bình, sáng tác thêm lời thoại để giáo dục các bậc vua chúa. Ông nói, "Thiên hạ biết đến ta bởi kinh Xuân Thu, thiên hạ trách ta cũng sẽ ở kinh Xuân Thu này". Đây là cuốn kinh Khổng Tử tâm đắc nhất. (Xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc xảy ra.)
6. Kinh Nhạc: do Khổng tử hiệu đính nhưng về sau bị thất lạc, chỉ còn lại một ít làm thành một thiên trong Kinh Lễ gọi là Nhạc ký. Như vậy lục kinh chỉ còn lại ngũ kinh.
1. Luận Ngữ: ghi lại lời dạy của Khổng Tử do học trò của ông ghi chép lại sau khi ông mất (Luận ngữ = các lời bình luận).
2. Đại Học: dạy phép làm người để trở thành bậc quân tử. Sách này do Tăng Sâm, còn gọi là Tăng Tử, học trò xuất sắc nhất của Khổng Tử, dựa trên lời dạy của ông soạn ra (Đại học = sự học lớn).
3. Trung Dung: dạy người ta cách sống dung hòa, không thiên lệch. Sách này do người cháu nội của Khổng Tử là Khổng Cấp, học trò của Tăng Tử, còn gọi là Tử Tư soạn ra (Trung = ý muốn nói cái Tâm không lệch bên này hay bên kia, Dung = có nghĩa dung dưỡng, giữ mãi ở mức như vậy).
4. Mạnh Tử: ghi lại lời dạy của Mạnh Tử. Mạnh Tử tên thật là Mạnh Kha, là người tiêu biểu nhất sau Khổng Tử, thuộc dòng Tử Tư, phát triển tư tưởng của Khổng Tử ở thời Chiến Quốc (390-305 trước công nguyên).
Nội dung cơ bản của Nho giáo
Cốt lõi của Nho giáo là Nho gia. Đó là một học thuyết chính trị nhằm tổ chức xã hội. Để tổ chức xã hội có hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải đào tạo cho được người cai trị kiểu mẫu - người lý tưởng này gọi là quân tử (quân = kẻ làm vua, quân tử = chỉ tầng lớp trên trong xã hội, phân biệt với "tiểu nhân", những người thấp kém về điạ vị xã hội; sau "quân tử" còn chỉ cả phẩm chất đạo đức: những người cao thượng, phẩm chất tốt đẹp, phân biệt với "tiểu nhân" là những người thiếu đạo đức hoặc đạo đức chưa hoàn thiện. Điều này có thể được lí giải bởi đối tượng mà Nho giáo hướng đến trước tiên là những người cầm quyền). Để trở thành người quân tử, con người ta trước hết phải "tự đào tạo", phải "tu thân". Sau khi tu thân xong, người quân tử phải có bổn phận phải "hành đạo" (Đạo không đơn giản chỉ là đạo lí. Nho gia hình dung cả vũ trụ được cấu thành từ các nhân tố đạo đức, và Đạo ở đây bao chứa cả nguyên lí vận hành chung của vũ trụ, vấn đề là nguyên lí đó là những nguyên lí đạo đức do Nho gia đề xướng (hoặc như họ tự nhận là phát hiện ra) và cần phải tuân theo. Trời giáng mệnh làm vua cho kẻ nào có Đạo, tức là nắm được đạo trời, biết sợ mệnh trời. Đạo vận hành trong vũ trụ khi giáng vào con người sẽ được gọi là Mệnh). Cần phải hiểu cơ sơ triết lí của Nho giáo mới nắm được logic phát triển và tồn tại của nó.
Tu thân
Khổng Tử đặt ra một loạt tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức... để làm chuẩn mực cho mọi sinh hoạt chính trị và an sinh xã hội.
Tam cương và ngũ thường là lẽ đạo đức mà nam giới phải theo. Tam tòng và Tứ đức là lẽ đạo đức mà nữ giới phải theo. Khổng Tử cho rằng người trong xã hội giữ được tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức thì xã hội được an bình.
1. Tam cương: tam là ba, cương là giềng mối. Tam cương là ba mối quan hệ: quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), phu phụ (vợ chồng).
trong xã hội phong kiến, những mối quan hệ này được các vua chúa lập ra trên những nguyên tắc“chết người”
1.
1. Quân thần: ("Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung" nghĩa là: dù vua có bảo bề tôi chết đi nữa thì bề tôi cũng phải tuân lệnh, nếu bề tôi không tuân lệnh thì bề tôi không trung với vua)Trong quan hệ vua tôi, vua thưởng phạt luôn luôn công minh, tôi trung thành một dạ.
2. Phụ tử: ("phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu nghĩa là: cha khiến con chết, con không chết thì con không có hiếu)")
3. Phu phụ: ("phu xướng phụ tùy" nghĩa là: chồng nói ra, vợ phải theo)
2. Ngũ thường: ngũ là năm, thường là hằng có. Ngũ thường là năm điều phải hằng có trong khi ở đời, gồm: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
1. Nhân: Lòng yêu thương đối với muôn loài vạn vật.
2. Nghĩa: Cư xử với mọi người công bình theo lẽ phải.
3. Lễ: Sự tôn trọng, hòa nhã trong khi cư xử với mọi người.
4. Trí: Sự thông biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai.
5. Tín: Giữ đúng lời, đáng tin cậy.
3. Tam tòng: tam là ba; tòng là theo. Tam tòng là ba điều người phụ nữ phải theo, gồm: "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử"
1. Tại gia tòng phụ: người phụ nữ khi còn ở nhà phải theo cha,
2. Xuất giá tòng phu: lúc lấy chồng phải theo chồng,
3. Phu tử tòng tử: nếu chồng qua đời phải theo con"
4. Tứ đức: tứ là bốn; đức là tính tốt. Tứ đức là bốn tính nết tốt người phụ nữ phải có, là: công - dung - ngôn - hạnh.
1. Công: khéo léo trong việc làm.
2. Dung: hòa nhã trong sắc diện.
3. Ngôn: mềm mại trong lời nói.
4. Hạnh: nhu mì trong tính nết.
Người quân tử phải đạt ba điều trong quá trình tu thân:
- Đạt đạo. Đạo có nghĩa là "con đường", hay "phương cách" ứng xử mà người quân tử phải thực hiện trong cuộc sống. "Đạt đạo trong thiên hạ có năm điều: đạo vua tôi, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em, đạo bạn bè" (sách Trung Dung), tương đương với "quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu". Đó chính là Ngũ thường, hay Ngũ luân. Trong xã hội cách cư xử tốt nhất là "trung dung". Tuy nhiên, đến Hán nho ngũ luân được tập chung lại chỉ còn ba mối quan hệ quan trọng nhất được gọi là Tam cương hay còn gọi là Tam tòng.
- Đạt đức. Quân tử phải đạt được ba đức: "nhân - trí - dũng". Khổng Tử nói: "Đức của người quân tử có ba mà ta chưa làm được. Người nhân không lo buồn, người trí không nghi ngại, người dũng không sợ hãi" (sách Luận ngữ). Về sau, Mạnh Tử thay "dũng" bằng "lễ, nghĩa" nên ba đức trở thành bốn đức: "nhân, nghĩa, lễ, trí". Hán nho thêm một đức là "tín" nên có tất cả năm đức là: "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín". Năm đức này còn gọi là ngũ thường.
- Biết thi, thư, lễ, nhạc. Ngoài các tiêu chuẩn về "đạo" và "đức", người quân tử còn phải biết "thi, thư, lễ, nhạc". Tức là người quân tử còn phải có một vốn văn hóa toàn diện.
Hành đạo
Sau khi tu thân, người quân tử phải hành đạo, tức là phải làm quan, làm chính trị. Nội dung của công việc này được công thức hóa thành "tề gia, trị quốc, thiên hạ bình ". Tức là phải hoàn thành những việc nhỏ - gia đình, cho đến lớn - trị quốc, và đạt đến mức cuối cùng là bình thiên hạ (thống nhất thiên hạ). Kim chỉ nam cho mọi hành động của người quân tử trong việc cai trị là hai phương châm:
- Nhân trị. Nhân là tình người, nhân trị là cai trị bằng tình người, là yêu người và coi người như bản thân mình. Khi Trọng Cung hỏi thế nào là nhân thì Khổng Tử nói: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân - Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác" (sách Luận ngữ). Nhân được coi là điều cao nhất của luân lý, đạo đức, Khổng Tử nói: "Người không có nhân thì lễ mà làm gì? Người không có nhân thì nhạc mà làm gì?" (sách Luận ngữ).
- Chính danh. Chính danh là mỗi sự vật phải được gọi đúng tên của nó, mỗi người phải làm đúng chức phận của mình. "Danh không chính thì lời không thuận, lời không thuận tất việc không thành" (sách Luận ngữ). Khổng tử nói với vua Tề Cảnh Công: "Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử - Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con" (sách Luận ngữ).
Đó chính là những điều quan trọng nhất trong các kinh sách của Nho giáo, chúng được tóm gọn lại trong chín chữ: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Và đến lượt mình, chín chữ đó chỉ nhằm phục vụ mục đích cai trị mà thôi.
Quân tử ban đầu có nghĩa là người cai trị, người có đạo đức và biết thi, thư, lễ, nhạc. Tuy nhiên, sau này từ đó còn có thể chỉ những người có đạo đức mà không cần phải có quyền. Ngược lại, những người có quyền mà không có đạo đức thì được gọi là tiểu nhân (như dân thường).
Đặc điểm của Nho giáo
Nho giáo có rất nhiều điểm mâu thuẫn, nếu chưa tính đến Nho giáo các đời sau, Nho giáo nguyên thủy chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn về nguyên tắc; ví dụ, Khổng Tử nói "dân làm gốc" nhưng lại gọi dân là "tiểu nhân",... Việc tìm ra các đặc điểm của Nho giáo để giải thích các mâu thuẫn đó yêu cầu nghiên cứu về quá trình hình thành Nho giáo, tức là tìm về nguồn gốc của Nho giáo. Nho giáo là sản phẩm của hai nền văn hóa: văn hóa du mục phương Bắc và văn hóa nông nghiệp phương Nam. Chính vì thế nó mang đặc điểm của hai loại hình văn hóa này.
Tính du mục phương Bắc
- Tính "quốc tế" là một trong những đặc tính khác biệt của văn hóa du mục so với văn hóa nông nghiệp. Tính quốc tế trong Nho giáo thể hiện ở mục tiêu cao nhất của người quân tử là "bình thiên hạ". Bản thân Khổng Tử đã nhiều lần rời bỏ nước Lỗ, quê hương ông để đi tìm minh chủ. Đối với người quân tử, việc tìm được một minh quân quan trọng hơn việc làm gì cho đất nước của mình. Trong các truyền thuyết và văn học Trung Hoa, việc các nhân tài thay đổi minh chủ là điều rất thường thấy. Đó cũng là một trong những ảnh hưởng của Nho giáo.
- Tính "phi dân chủ" và hệ quả của nó là tư tưởng "bá quyền", coi khinh các dân tộc khác, coi mình là trung tâm còn "tứ di" xung quanh đều là "bỉ lậu" cả. Khổng Tử nói: "Các nước Di, Địch, dù có vua nhưng cũng không bằng Hoa Hạ (Trung Hoa) không có vua" . Tính phi dân chủ còn được thể hiện ở chỗ coi thường người dân, đặc biệt là phụ nữ. Khổng Tử gọi dân thường là "tiểu nhân", đối lập với người "quân tử". Còn đối với phụ nữ, ông nói: "Chỉ hạng đàn bà và tiểu nhân là khó dạy. Gần thì họ nhờn, xa thì họ oán" .
- Tính "trọng sức mạnh" được thể hiện ở chữ "Dũng", một trong ba đức mà người quân tử phải có (Nhân - Trí - Dũng). Tuy nhiên ông cũng nhận ra điều nguy hiểm: "Kẻ nào có dũng mà ghét cảnh bần hàn tất làm loạn".
- Tính "nguyên tắc" được thể hiện ở học thuyết "chính danh". Tất cả phải có tôn ti, tất cả phải làm việc theo đúng bổn phận của mình.
Tính nông nghiệp phương Nam
- Tính "hài hòa" là một đặc tính của văn hóa nông nghiệp, trái ngược với tính trọng sức mạnh của văn hóa du mục. Biểu hiện cho tính hài hòa là việc đề cao chữ "Nhân" và nguyên lý "Nhân trị". Khổng Tử từng nói: "Về cái mạnh của phương Nam ư? Hay cái mạnh của phương Bắc ư? ... Khoan hòa mềm mại để dạy người, không báo thù kẻ vô đạo - ấy là cái mạnh của phương Nam, người quân tử ở vào phía ấy. Xông pha gươm giáo, dầu chết không nản, ấy là cái mạnh của phương Bắc - kẻ mạnh ở vào phía ấy" (sách Trung Dung).
- Tính "dân chủ" là đặc tính khác biệt với văn hóa du mục. Khổng Tử nói: "Dân là chủ của thần, vì thế thánh nhân xưa lo cho việc dân rồi mới lo việc thần" (Kinh Xuân Thu). Ông còn nói: "Phải làm trước những công việc của dân, phải khó nhọc vì dân" (sách Luận ngữ). Tính dân chủ còn được thể hiện ở cách cư xử "trung dung" trong "ngũ luân". Trong các quan hệ đó, đều thể hiện tính hai chiều, bình đẳng: Vua sáng, tôi trung; cha hiền, con hiếu; anh tốt, em nhường; bạn bè tin cậy.
- Tính coi trọng văn hóa tinh thần (thi, thư, lễ, nhạc) thể hiện nhiều trong Kinh Thi. Tính "trọng văn" cũng ngược lại với tính "trọng võ" của văn hóa du mục.
Thay đổi của các đặc điểm theo thời gian
Việc đồng thời dựa vào hai nền văn hóa đối lập nhau, đó là văn hóa du mục và văn hóa nông nghiệp trong một hoàn cảnh xã hội đầy biến động như thời Xuân Thu khiến cho tư tưởng của Khổng Tử không tránh khỏi các giằng co dẫn đến sự đụng đầu của hai nền văn hóa trong nho giáo, khiến cho Nho giáo nguyên thủy. chứa đầy mâu thuẫn
- Mâu thuẫn đầu tiên là mâu thuẫn về thái độ đối với người dân. Văn hóa du mục trọng sức mạnh, trọng người quân tử, lấy người quân tử để đối lập với kẻ tiểu nhân - người dân thường. Trong khi văn hóa nông nghiệp lại coi trọng dân, lấy dân làm chủ, "dân là chủ của thần".
- Mâu thuẫn tiếp theo là mâu thuẫn giữa "lễ trị" (pháp trị) của văn hóa du mục với "nhân trị" của văn hóa nông nghiệp. Khổng Tử nói nhiều đến "lễ trị", ông vận động các nước chư hầu duy trì cái "lễ" của nhà Tây Chu: "Ta học lễ nhà Chu, hiện đang ứng dụng; ta theo nhà Chu" (sách Trung Dung). Học trò thường được ông kể rằng: "Nằm mộng thấy Chu Công". Nhưng dần dần, Khổng Tử chuyển từ "lễ" sang "nhân", nhập "nhân" vào với "lễ" và còn đi xa hơn, coi "nhân" làm gốc của "lễ nhạc": "Không cóthì lễ để làm gì? Không có nhân thì nhạc để làm gì?" (sách Luận Ngữ). nhân
Chính sự mâu thuẫn nội tại trong Nho giáo nguyên thủy là nguyên nhân gây ra "tấn bi kịch" lớn nhất của Nho giáo: cái Nho giáo mà Khổng Tử tốn bao công xây dựng vừa có thể nói là thất bại, lại vừa có thể nói là thành công.
Thất bại bởi lẽ, trong khi các bậc đế vương phương Bắc với truyền thống "trọng võ", quen "pháp trị" và chuyên chế bằng vũ lực thì Khổng Tử lại nên cao "trọng văn", dùng "nhân trị", thu phục bằng nhân tâm. Nên khi sinh thời, Khổng Tử muốn làm quan nhưng hầu như không được ai dùng. Về già, một lần ông tiên đoán về sự suy tàn của đạo mình: "Chim phượng chẳng đến, bức đồ chẳng hiện trên sông Hoàng Hà, ta hết hi vọng rồi" (sách Luận ngữ). Sau khi Khổng Tử chết, năm 246 trước công nguyên, vua Tần là Doanh Chính dùng vũ lực thống trị thiên hạ xưng là Tần Thủy Hoàng đế, áp dụng chính sách cai trị bằng pháp luật, độc đoán hoàn toàn trái ngược với các chủ trương của Nho giáo và dẫn đến hành động "đốt sách, chôn Nho" nổi tiếng.
Thành công là bởi lẽ, sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần sụp đổ, Hán Cao Tổ là Lưu Bang đã rút ra được một số kinh nghiệm của nhà Tần mà bớt đi phần hà khắc mà trưng dụng trí thức. Nhưng phải đến Hán Vũ Đế, theo lời khuyên của Đổng Trọng Thư thì Nho giáo mới được đưa lên địa vị quốc giáo. Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống bảo vệ chế độ phong kiến Trung Hoa trong suốt hai ngàn năm. Không những thế, nó còn được truyền bá khắp miền Đông Á. Khổng Tử được tôn lên bậc thánh, trên thế giới tên tuổi của ông không ai không biết.
Tuy nhiên sự thành công đó không phải là điều mà Khổng Tử trông đợi bởi vì cái Nho giáo mà Khổng Tử tạo ra hoàn toàn thất bại mà thay vào đó, cũng cái tên Nho giáo đó nhưng với nội dung khác hẳn đã được đề cao. Nói chính xác hơn, hầu hết các đặc điểm nông nghiệp trong Nho giáo nguyên thủy bị loại bỏ và bị thay thể bằng các đặc điểm du mục. Đến Hán nho, nhà Hán chủ trương "dương đức", "âm pháp", hay còn gọi là "ngoại Nho, nội pháp", tức là chủ trương nhân trị chỉ còn là hình thức mà thực chất là pháp trị. Hán Vũ đế giao cho nhóm người do Lưu Hâm cầm đầu, cải tạo và biến đổi Nho giáo để phục vụ vương triều. Nhóm của Lưu Hâm làm ba việc:
- Hạ thấp nhân trị, đề cao lễ trị. Vì nhân trị là cốt lõi của Khổng Tử nên họ không thể loại bỏ hoàn toàn mà dùng nhân trị như một cái vỏ bao bọc lễ trị.
- Loại bỏ tính dân chủ của Nho giáo nguyên thủy. Dân là chủ bị lờ đi mà thay vào đó họ đề cao "trời", tạo ra thuyết "thiên mệnh". Vua là "thiên tử" (con trời), không nghe theo vua là phản lại trời. "Ngũ luân" trong Nho giáo nguyên thủy được rút gọn thành "tam cương": vua-tôi, cha-con, vợ-chồng. Quan hệ "trung dung" trong ngũ luân được chuyển thành quan hệ một chiều duy nhất được tóm gọn trong bốn chữ "trung-hiếu-tiết nghĩa". Bề tôi phải tuyệt đối phục tùng vua, con phải tuyệt đối nghe lời cha, vợ phải tuyệt đối phục tùng chồng, đó là những mối quan hệ hết sức phi nhân bản: "Vua bảo tôi chết, tôi không chết là tôi bất trung; cha bảo con chết, con không chết là con bất hiếu". Còn trách nhiệm của vợ đối với chồng thì được diễn đạt bằng ba công thức được gọi là tam tòng: "Ở nhà theo cha, lấy chống theo chồng, chồng chết theo con trai".
- Hạn chế vai trò của văn hóa sao cho có lợi cho chế độ phong kiến. Quan hệ nam nữ bị giới hạn một cách quá đáng: "nam nữ thụ thụ bất thân". Đề cao nam, hạ thấp nữ: "nam tôn, nữ ti", "dương thiện, âm ác".
Đến Tống Nho, Nho giáo lại tự hoàn thiện thêm một lần nữa bằng cách bổ sung thêm các yếu tố tâm linh từ Phật giáo và các yếu tố siêu hình từ Đạo giáo với các tên tuổi như Chu Hy, Trình Hạo, Trình Di.
Như vậy, Khổng giáo hoàn toàn thất bại. Trước khi chết, Khổng Tử rất u buồn bởi lẽ ông hiểu rằng, hút nhụy một phần từ văn minh nông nghiệp, Nho giáo mang tính nhân bản của ông chỉ thích hợp trong phạm vi làng xã. Còn để phục vụ trong phạm vi quốc gia thì cần phải có một triết lý có tính pháp luật cao hơn, và Hán nho đã hoàn thành xuất sắc điều này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét