Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Na Bon không còn heo hút xa

NA BON KHÔNG CÒN HEO HÚT XA


Tôi và rất nhiều người nữa biết đến bản Na Bon, xã vùng cao Châu Thành (Quỳ Hợp) trong chiến dịch làm đường về Na Bon vào năm 2004 do huyện Quỳ Hợp phát động. Ngày ấy chỉ một trận mưa nhỏ thôi là Na Bon biệt lập với bên ngoài như ốc đảo. Con dốc lừng lững ngay đầu bản như thách đố lòng kiên nhẫn của bất kỳ ai đến với xứ sở này, bởi muốn vượt nó chỉ mỗi cách là cuốc bộ leo dốc, nghe gió “ù, ù qua lỗ tai”...
Trong chiến dịch ấy, hàng nghìn con người đến từ khắp các bản làng của huyện Quỳ Hợp suốt mấy ngày trời đánh vật mở đường với cuốc xẻng, xà beng… mà chẳng mấy ăn thua. Người về, mưa đến, đất đá lại về theo khe suối, đường sá vẫn thế, nghĩa là vẫn…cực kỳ gian nan.
Bẵng đi mấy năm, tôi mắc nợ với già bản Na Bon cái lời mời “Nhớ lên thăm ta nhé!!!” năm nào. Và, hôm nay, trong hanh hao nắng giao mùa tôi tìm về Na Bon. Tôi đã có những phút giây rưng rưng vui cùng người già, người trẻ, cảm nhận cái thay đổi đến ngỡ ngàng như phép mầu trong cổ tích ở chốn này...
Khoát tay một vòng khắp những mảng rừng đang mơn man xanh, trưởng bản Na Bon- Lô Văn Xuân đọc vanh vách diện tích rừng keo mà dân bản đã thế chỗ vào diện tích đất trống, đồi trọc. Cây keo lai “bén duyên” với đất rừng Na Bon từ cách đây bốn năm và cứ thế diện tích rừng keo không ngừng tăng lên sau mỗi mùa mưa. Riêng năm nay cả bản đã trồng được 80 hécta keo. 80 hécta cho 74 hộ gia đình, quả là con số mang nhiều ý nghĩa. Theo trưởng bản Lô Văn Xuân thì cái cách trồng rừng ở Na Bon cũng chẳng giống ai, nghĩa là trồng rừng “đổi công”: hôm nay tập trung giúp nhà này, này mai lại tập trung trồng rừng giúp nhà khác. Vậy nên hiện tại cả 74 hộ gia đình ở Na Bon đều có rừng trồng. Hộ ít thì cỡ một, vài hécta, hộ nhiều như ông Lô Xuân Thu, Hà Văn Doanh, Lô Văn Xuân... đều đã trồng được trên 10 hécta.
 Không chỉ giỏi trồng rừng, bà con Na Bon còn chú trọng đầu tư vào chăn nuôi, cả bản hiện có trên 400 con trâu bò. Cái xung khắc giữa trồng trọt- chăn nuôi cũng được hoá giải khi khu vực đồng cỏ cho chăn thả trâu bò được bà con bàn bạc và quy định cụ thể. Nguồn thu từ trồng trọt, chăn nuôi đã giúp nhiều gia đình nơi đây làm được nhà mới, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt và đầu tư cho con cái học hành. Nếu như trước đây cả bản đều xam xám một màu nhà tranh thì nay thay vào đó là hồng tươi ngói mới, Na Bon chỉ còn lại vẻn vẹn 10 căn nhà tạm. Trưởng bản Lô Văn Xuân cho biết bà con đang bàn bạc để rồi từ nguồn vốn chương trình 134/CP và gom góp giúp nhau, 10 căn nhà tạm này cũng được xoá nốt trong một vài năm tới.
            Trong câu chuyện cùng tôi nhiều người ở Na Bon luôn nhắc cái mừng nhất của bản là tuyến đường Tỉnh lộ chạy qua bản đang sắp sửa hoàn thành. Tuyến đường này sẽ là huyết mạch nối từ Châu Thôn (Quế Phong) đến Châu Phong (Quỳ Châu sang Quỳ Hợp rồi vươn dài sang huyện bạn Tân Kỳ. Như thổi vào Na Bon luồng sinh khí mới, có tuyến đường này việc học hành của con cái, việc đi lại của bà con thuận lợi rất nhiều, nhiều dự tính phát triển kinh tế cũng từ đó mà ươm mầm phát lộc. Chia tay Na Bon tôi mãi nhớ cái cầm tay lắc lắc của già bản, vẫn lời mời nhớ lên thăm thân tình như dạo ấy, nhưng nay tôi đọc thấy trong khoé mắt của già lấp lánh ánh vui. Tôi thầm hiểu cùng với tháng năm chuyển mình hội nhập, Na Bon đã không còn heo hút xa.

Kadutha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét