Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Đàn tính của đồng bào dân tộc Thổ

ĐÀN TÍNH CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THỔ
Là một dân tộc có đời sống tinh thần hết sức phong phú với vốn dân ca, dân nhạc, dân vũ mang đậm nét bản sắc; tự ngàn xưa, từ cây tre, cây nứa, đồng bào dân trộc Thổ đã sáng tạo nên cây đàn tính. Để rổi thanh âm của đàn tính trở thành một phần không thể thiếu được trong những cuộc hội vui...

Không biết tự bao giờ và ai là người đã sáng tạo nên cây đàn tính, nhưng theo các bậc cao niên thì đàn tính của dân tộc Thổ đã có từ lâu lắm, từ rất nhiều đời truyền lại. Cuộc sống tự cung tự cấp, nên đàn tính xưa cũng được làm một cách giản đơn từ những vật liệu sẵn có. Bà con thường lấy một ống tre (hoặc mét, bương, nứa) có thân to và dài lóng để làm đàn tính. Lấy đúng một lóng cùng với hai đốt hai đầu. Tre được chọn để làm đàn phải là tre vừa đủ tuổi, tre già quá sợi dây đàn sẽ giòn, dễ gãy; tre non quá, ống đàn sẽ dễ teo tóp, âm thanh phát ra không hay.
Chọn được ống tre như ý rồi, sẽ bắt đầu công đoạn chế tạo đàn. Ống tre được tỉ mẩn cắt gọt hai đầu sao cho thật bằng, cạo bỏ tinh tre chỉ để lại phần cật tre sau đó cắt một phần phía dưới, cắt dọc theo thân, thường là khoảng 1/3 để tạo đế đàn. Lúc tạo đế đàn bao giờ cũng phải chú ý làm sao để hai mắt tre mằm so le hai bên, có như vậy lúc chế dây đàn, vị trí dây đàn không “rơi” vào phần mắt tre khiến dây dễ đứt.
Xong các công đoạn trên, bây giờ đến một phần rất quan trọng, đòi hỏi tài hoa của người làm đàn tính, đó là chế dây đàn. Nhiều người lầm tưởng dây đàn được làm từ thân cây tre khác rồi nối vào thân đàn nhưng kỳ thực là không phải vậy. Dây đàn được làm từ chính ống tre thân đàn, người chế tạo đàn sẽ tỉ mẫn khoét gọt bỏ bớt phần thân, chừa lại dây đàn. Nếu trong việc chế tạo kèn, việc làm dăm kèn là khó nhất thì ở chế tạo đàn tính việc làm dây đàn cũng vậy. Phải chọn con dao mũi thật nhọn, mài mũi dao sao cho sắc ngọt; cộng với đó là mắt phải  tinh, tay thật khéo mới làm được những sợi dây đàn như ý. Bởi sợi dây to quá, khi đánh lên tiếng đàn sẽ trầm đục, dây mảnh quá sẽ không bền, tiếng không chuẩn. Cả quá trình chế dây đàn chỉ cần sơ sểnh chút thôi, mũi dao khoét lẹm chút chút là dây đàn sẽ đứt và như thế thì bao công sức coi như đổ xuống sông xuống biển...
Rong ruổi tìm hiểu về cây đàn tính, ngõ hầu giới thiệu cùng mọi người những gì mình gom nhặt được, tôi đã gặp anh Trương Thanh Hải- một người con của dân tộc Thổ suốt nhiều năm qua rất dày công sưu tầm, nghiên cứu bản sắc văn hóa của tổ tiên. Anh cho biết, đàn tính có 3 dây, các dây đàn được điều chỉnh âm thanh bằng các “then gà”. Then gà được làm bằng tre, một đầu dày, một đầu mỏng. Lúc thẩm âm, người chơi đàn sẽ tùy theo tiếng từng dây đàn phát ra mà “nêm” then gà để dây đàn căng hơn hoặc chùng hơn, người chơi đàn thường dùng “móng” làm từ vảy con trút (tê tê) để gảy đàn.
Trải qua thời gian, đàn tính cũng dần được sáng tạo thêm những hình dáng mới. Hiện anh Trương Thanh Hải còn lưu giữ được một cây đàn mà theo anh thì  chính là cây đàn tính kiểu mới, đây là một trong hai cây đàn mà cụ Trương Văn Thố ở Làng Mo, xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) làm để lưu lại cho con cháu trước lúc qua đời (cụ qua đời năm 1997). Cùng với các nghệ nhân như cụ Tuân ở làng La (Minh Hợp), cụ Trà ở Đột Tân (Nghĩa Xuân)... cụ Trương Văn Thố là người nức tiếng giỏi đàn hát và làm đàn tính đẹp nhất vùng trước đây. Nhìn qua thì cây đàn này này giống đàn tính của dân tộc Tày mạn Cao Bằng. Khác chăng là thùng đàn không làm tròn mà làm hộp hình chữ nhật và có khoét lỗ vuông phía dưới thùng, cần đàn ước dài chừng 1,2 mét; đàn có 3 dây được làm bằng sợi tơ.
Cũng sáng tạo trên cơ sở cây đàn tính truyền thống, nghệ nhân Trương Sông Hương ở xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp) lại ghép 8 cây đàn tính đơn lẻ thành một đàn tính mới trông giống như đàn T’ Rưng ở Tây Nguyên. Đàn không dùng móng để gãy mà dùng dùi để gõ. Nhờ sự hòa trộn cung bậc của các cây đàn đơn lẻ mà cây đàn tính đầy chất sáng tạo này có âm thanh rất đặc trưng những nhạc cụ khác khó bề có được.
Khác với kèn và một số loại nhạc cụ khác của đồng bảo dân tộc Thổ có thể cất lên thanh âm trong cả việc vui, nghi lễ và cả việc buồn như ma chay, tang lễ. Đàn tính chỉ được dùng trong việc vui như ngày Tết, Lễ cưới hỏi, Hội làng... mà thôi. Tiếng đàn làm cho các làn điệu dân ca dân tộc Thổ như Dạ ời, Tập tính tập tang, Đu đu điềng điềng... trong ngày hội vui thêm phần cuốn hút. Chả thế mà trước đây khi các loại nhạc cụ điện tử, nhạc cụ hiện đại chưa đến với dân làng, đàn tính là nhạc cụ không thể thiếu trong các cuộc vui.
Như đã đề cập ở những bài viết trước, chung thực trạng cùng không ít nhạc cụ truyền thống khác của cộng đồng các dân tộc anh em, hiện nay đàn tính cũng đang có nguy cơ ít người biết đến. Theo khảo sát của chúng tôi, những người biết làm đàn tính, biết đánh đàn tính hiện còn rất ít, cả vùng Nghĩa Xuân, Minh Hợp hiện không có ai biết làm loại đàn này. Ở vùng Tam Hợp, Thọ Hợp cũng chỉ có mỗi nghệ nhân Trương Sông Hương biết làm và sử dụng được.
Đàn tính đã trở thành một phần bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Thổ, rất nhiều bậc cao niên đến giờ vẫn luôn đau đáu nhớ về tiếng đàn tính, nhớ về những đêm hội làng đông vui. Ngày xưa ấy, chính cây đàn tính, tiếng đàn tính chở nặng tình đất tình người đã xe duyên cho rất nhiều trai tài gái sắc nên duyên chồng vợ... Để bảo tồn được đàn tính, để tiếng đàn tính mãi còn vang ngân chắc hẳn cần lắm sự chung tay của cả cộng đồng./.
                                                                          CAO DUY THÁI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét