Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Lo cái vui ở Mường Choọng

LO CÁI VUI Ở MƯỜNG CHOỌNG
Trong cái bâng khuâng thời khắc giao mùa khép lại một năm hoạt động sôi nổi, những người làm công tác văn hoá ở Mường Choọng (Châu Lý, Quỳ Hợp) lại ngồi bên nhau trao đổi chuyện “Lo cái vui” cho bản, cho mường. Họ vẫn nói “mình chưa làm được nhiều…” nhưng tôi đọc thấy trong mắt họ lấp lánh niềm vui và trong dòng hồi tưởng cuối năm của họ, tôi cảm nhận những gì hơn thế, một nét rất riêng thấm đẫm tình đất, tình người nơi mảnh đất vùng sâu còn bộn bề thiếu thốn, khó khăn...

Anh Cao Ngọc Tân- cựu uỷ viên văn hoá xã Châu Lý nhớ lại những ngày cách đây hơn mười năm. Buổi ấy lớp trẻ xã nhà bắt đầu làm quen với quả bóng, cả “huấn luyện viên” lẫn cầu thủ đều chưa biết luật. Chưa có tivi, chỉ nghe đài radio tường thuật mười một người mỗi bên thì chia đội hình ra như thế mà đá. Mỗi đội trừ thủ môn còn lại 10 cầu thủ vừa đá hậu vệ vừa tiền đạo! Bóng về phía nào là 20 “anh” ùa theo phía đó...chạy! Đá theo quy định “khi nào mệt thì thôi !”. Cái sân cỏ ở bản Na Lạn chiều nào cũng rộn tiếng cười, các mẹ, các chị cũng ùa ra sân cổ vũ…

 Thời gian thoi đưa, chứng kiến bao khởi sắc của bản làng. Lớp cầu thủ “đa năng” ngày ấy vừa chơi vừa học luật của môn thể thao vua, để rồi giờ đây họ đều là hạt nhân nòng cốt của phong trào thể thao xóm bản. Cái quả bóng không còn xa lạ gì với người già, người trẻ; xã có 16 xóm bản thì có đến 9 sân bóng đá, 17 sân bóng chuỳên. Những dịp vui, đội “vợ rồi” và đội “chưa vợ” lại ra sân so tài, giải thưởng là một vò rượu cần, để tất cả cùng uống, cùng “chàm mơi”…

 Trong dòng hoài niệm, mọi người lại cùng nhớ về dịp tổ chức Lễ hội văn hoá thể thao các dân tộc xã Châu Lý. Là một trong 2 xã (Nghĩa Xuân và Châu Lý) được huyện Quỳ Hợp chọn chỉ đạo tổ chức mô hình lễ hội, anh em rất mừng, vinh dự nhưng cứ ngay ngáy...lo. Một “núi” công việc nào là hội trại, thi ẩm thực, liên hoan văn nghệ và các hoạt động thể thao, đặc biệt là phần mít tinh, diễu hành, đồng diễn thể dục…Lại động đến “nổi lo muôn thủa”- kinh phí? Thường vụ Đảng uỷ xã chỉ đạo: phải làm thật tốt xứng với lòng tin của huyện và mong đợi của bà con, nhưng phải…tiết kiệm. Tất cả cán bộ Đảng uỷ, UBND xã đều vào cuộc chia nhau phần việc các tiểu ban…Mỗi bản được hỗ trợ 50.000 đồng (chi phí làm trại và 1 mâm ẩm thực) còn anh em cán bộ xã thì “ăn cơm nhà- làm lễ hội”. Thành công ngoài dự kiến. Hàng ngàn người dân trong toàn xã cùng bà con các xã Châu Quang, Châu Thái, Bắc Sơn, Nam Sơn...cùng về vui hội. 16 trại được dựng lên, sân vận động trung tâm xã rợp cờ hoa và rực tươi sắc màu thổ cẩm. 60 tiết mục văn nghệ luyện tập công phu được công diễn. Cây đu, cây còn được dựng lên; các hoạt động kéo co, bắn nỏ, bóng chuyền, đi cà kheo…diễn ra suốt 2 ngày 2 đêm lễ hội.

 Có những chuyện thật vui trong lễ hội này. Tôn chỉ là “sáng tạo, tiết kiệm”  và mang nét bản sắc văn hoá nên các trại của bà con có những cách làm rất hay. Phân công người lên rừng lấy lá cọ, nứa mét, người đan phên, chẻ lạt. Trại của rất nhiều bản làm theo mô hình nhà sàn. Bản Bù Lầu, bản Cồn thì có sáng kiến là dựng hẳn trại ở bản rồi gánh đến sân vận động trung tâm. Các nghệ nhân của bản được dịp trổ tài, những hoa văn dan bằng tre nứa đẹp như tranh. Cảm nhận như họ gửi nỗi niềm vào từng sợi giang, mối lạt sao cho thật khéo để hội thêm đẹp, thêm vui.

 Nhớ hôm xuất quân về vui hội, trại của bản Bù Lầu được hơn 30 trai bản gánh về trung tâm; cờ tổ quốc cắm trên nóc trại phần phật tung bay, cả đoàn người già, người trẻ kéo theo sau hò reo vui dậy đất. Một điều ghi nhận là suốt 2 ngày 2 đêm diễn ra lễ hội không một người say rượu, không hề có vụ việc gây gỗ đánh nhau, mất cắp…Và xin được ghi lại một con số giàu ý nghĩa: 3.700.000 đồng- là tổng kinh phí mà ngân sách địa phương chi cho lễ hội tất tật từ dựng cây đu, làm sân khấu đến mua giấy màu, dây điện, giải thưởng…

 Phong trào thể thao cứ thế đi lên. Không tổ chức giải cấp xã thì phụ lòng bà con, mà tổ chức thì không đủ tiền trang trải bởi ngân sách xã quá hạn hẹp. Năm 1994 hội xuân và cũng là giải thể thao văn nghệ cấp xã lần đầu tiên được tổ chức. “Cái khó ló cái khôn” – anh em văn hoá xã và các đoàn thể cùng đề xuất: xã trích ít tiền lo giải thưởng, còn ban tổ chức và trọng tài thì cùng nhau đi “ăn Tết” lần lượt từng thành viên. Ông uỷ viên lo buổi trưa, anh chuyên trách lo bữa tối, bí thư Đoàn xã lo trưa hôm sau…Thế là khoản “đời sống” đỡ phải bận lòng, ăn Tết hết vòng gia đình các thành viên thì cũng vừa kết thúc giải. Nhờ cách làm này mà mười sáu năm nay giải bóng đá, bóng chuyền, liên hoan văn nghệ Mừng Đảng – Mừng Xuân xã Châu Lý cứ “đến hẹn lại lên”. Cứ sáng Mồng ba Tết Nguyên đán là khai hội, tối Mồng năm Tết là liên hoan văn nghệ, bế mạc trao giải và vui rượu cần. Trai bản không còn say rượu xuân tuý luý như trước đây, bởi không là cầu thủ thì cũng phải tỉnh táo để mà cổ vũ cho đội nhà, tệ cờ bạc cũng nhờ đó mà chấm dứt.

 Trong câu chuyện cuối năm của những người làm công tác văn hoá ở Mường Choọng, tôi cảm nhận họ cứ đau đáu nỗi niềm: làm sao lo cho mường- cho bản thêm vui. Mười sáu năm nay duy trì hội xuân là mười sáu năm nay họ lặng thầm gác những niềm riêng để cho người trẻ, người già, bản gần, bản xa vẹn trọn những ngày xuân ý nghĩa. Tết Tân Mão đang đến thật gần, đêm tỉnh giấc đã nghe như thoáng đâu đây tiếng tí tách của hoa đào khai nụ. Trong thanh âm đất trời vào xuân, tôi cứ miên man cùng lời mời thao thiết- nhớ về thăm Mường Choọng Hội xuân này...  
Cao Duy Thái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét