Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Xanh lại đất cằn

XANH LẠI ĐẤT CẰN
Bên thềm năm mới, viết những dòng này về vợ chồng chị Lữ Thị Nguyệt, tôi vẫn thầm mong nơi bản làng vùng sâu còn bộn bề gian khó, ngày lại ngày sẽ có nhiều thêm những vùng đất cằn xanh lại. Trong sự cưu mang nồng ấm nghĩa tình làng bản, những gia đình nghèo sẽ có thêm nghị lực và niềm tin vào cuộc đời này...
Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới còn tươi màu ngói đỏ, chị Lữ Thị Nguyệt- dân tộc Thái ở bản Mới, xã vùng cao Yên Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An) cứ nhắc đi nhắc lại “Nếu không có sự bao bọc của bà con dân bản và những đồng vốn nghĩa tình từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện thì vợ chồng tôi không thể có được những gì hôm nay”…Và quả thật, khó có thể hình dung cơ ngơi có được hôm nay của vợ chồng chị chỉ mới bắt đầu tạo dựng cách đây hơn 5 năm, từ hai bàn tay trắng trên vùng đất trơ cằn đá sỏi...
Sinh ra ở xã Yên Hợp, phận gái mười hai bến nước, chị Lữ Thị Nguyệt chọn về làm dâu ở xã vùng cao Châu Thành cùng huyện. Tần tảo phát rẫy, làm thuê ... quần quật suốt ngày mà cơm chẳng đủ ăn, năm 2000 vợ chồng chị khăn gói về quê cũ và đến với bản Mới để lập nghiệp. Thương cảnh nghèo, bà con trong bản người góp tranh, người góp nứa mét giúp vợ chồng chị dựng 2 gian lều tranh ở vùng đất hoang cuối bản. Chính sự cưu mang của bà con trong những ngày cơ cực ấy đã giúp vợ chồng chị thêm nghị lực vượt khó, ngày đi làm thuê lấy tiền đong gạo, đêm về hì hục cải tạo đồi hoang. Ngày tiếp ngày, mồ hôi, công sức đổ xuống; bàn tay chai sần miệt mài vỡ đất, gieo vào đó những mía, sắn, ngô…đau đáu niềm tin thoát khỏi cảnh đói nghèo. 

 Cảm thông với hoàn cảnh của vợ chồng chị, đầu năm 2005, hội LHPN xã đã tín chấp cho vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Nhận tiền, mừng rơi nước mắt, vợ chồng bàn nhau làm thế nào để phát huy hiệu quả đồng vốn, không phụ lòng tin của bà con, ngân hàng và hội phụ nữ. Sau khi cân nhắc, từ số vốn vay và tiền gom góp được, vợ chồng chị mua 1 cặp mẹ con trâu cái. Có trâu cày, việc cải tạo mở rộng diện tích canh tác cũng đỡ phần vất vả, lại có thêm nguồn phân bón cho cây.
Cần cù, chịu khó, vợ chồng chị Lữ Thị Nguyệt đã cải tạo được 1 ha đất đồi để trồng mía, sắn và 1.000m2 ruộng nước. Lúa đã đủ ăn, mía, sắn mỗi năm mang lại gần chục triệu đồng; thêm tiền bán gà, bán lợn, kinh tế gia đình dần khấm khá. Đến nay vợ chồng chị đã làm được ngôi nhà xây lợp ngói khang trang, sắm được xe máy, ti vi và một số tiện nghi sinh hoạt khác. Hạnh phúc như nhân lên khi 2 đứa con của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi, ngoài buổi đến trường còn giúp bố mẹ chăm đàn lợn, đàn gà, tăng thu nhập gia đình. Một màu xanh của mía, sắn và cây trái vườn nhà đã hiện hữu trên đất cằn xưa. Như cuộc đời vợ chồng chị, từ tay trắng cơ cực đã thoát khỏi đói nghèo.
             Bên thềm năm mới, viết những dòng này về vợ chồng chị Lữ Thị Nguyệt, tôi vẫn thầm mong nơi bản làng vùng sâu còn bộn bề gian khó, ngày lại ngày sẽ có nhiều thêm những vùng đất cằn xanh lại. Trong sự cưu mang nồng ấm nghĩa tình làng bản, những gia đình nghèo sẽ có thêm nghị lực và niềm tin vào cuộc đời này. 

Cao Duy Thái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét