Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Gieo khát vọng làm giàu từ đất

GIEO KHÁT VỌNG LÀM GIÀU TỪ ĐẤT
 Chúng tôi muốn nói về những người chủ trang trại trên dải đất miền Tây xứ Nghệ- họ chân chất, bình dị và giàu lòng mến khách như bao nông dân khác trong cộng đồng các dân tộc anh em nơi này. Trong câu chuyện với chúng tôi, họ thường ngại nói về mình, nhưng khi cùng dân bản bàn đến chuyện làm ăn thì dốc lòng như truyền lửa...
Đó là chàng trai dân tộc Thái- Lô Văn Vinh, ở Bản Mánh, xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp) liều lĩnh vào thung lũng Túng Mánh xa nhà gần mười cây số để vỡ đất. Buổi ấy vào rừng làm trang trại được xem là “chuyện lạ”, chưa có đường để xe đạp, xe máy có thể vào được với Túng Mánh nên ngày ngày vợ chồng Vinh cứ cần mẫn cuốc bộ cõng gạo và đủ thứ mắm muối dưa cà vào trang trại. Dân bản không khỏi ái ngại khi hai vợ chồng Vinh lọt thỏm giữa bạt ngàn lau lách hoang dại nơi đây, nhiều người chân thành khuyên Vinh nên rút lui, nhưng Vinh vẫn quyết tâm với sự lựa chọn của mình.
Gom góp lần hồi, tiền bán ngô, lạc hàng năm Vinh dành thuê máy ủi mở đường, đắp đập thả cá, mua đường ống dẫn nước về từ đỉnh đồi Pu Pục. Trang trại dần mở rộng quy mô, giờ đây Vinh đã có đàn bò trên 40 con cùng với một diện tích ngô, sắn rộng lớn, mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Vào vụ gieo trồng, thu hoạch, trang trại của Vinh thu hút hàng chục lao động mỗi ngày. Học tập cách làm của Vinh, nhiều gia đình đã cùng vào Túng Mánh vỡ đất, lập trang trại để làm giàu. Ghi nhận những việc làm của chàng trai dân tộc Thái giàu nghị lực, năm 2006 vừa qua Lô Văn Vinh vinh dự được về thủ đô Hà Nội nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. 
Cùng chung khát vọng làm giàu từ đất, những người con của dân tộc Thổ trên địa bàn Quỳ Hợp như cựu chiến binh Trương Văn Hợp ở Làng Láo (xã Văn Lợi); anh Nguyễn Cao Sơn ở Làng Kính (xã Nghĩa Xuân)… lại chọn mía và cam là 2 cây “chủ lực” cho trang trại của mình. Đất không phụ công người, từ tay trắng buổi đầu nay gia đình họ đều có thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm. Chính họ là những người khởi xướng cho mô hình trang trại: mía- cam- trồng cỏ voi nuôi bò nhốt mang lại hiệu kinh tế cao ở miền quê này.
Ở xã vùng cao còn nhiều khó khăn - xã Châu Thành, Quỳ Hợp, có vợ chồng  chị Nguyễn Thị Đức (quê cũ ở huyện Nam Đàn) cùng mê trồng rừng- làm trang trại. Nhà nghèo nên để có được trang trại phải lấy ngắn nuôi dài, nhưng cái cách lấy ngăn nuôi dài của vợ chồng chị thì…có một không hai - đó là liên tục bán nhà để đầu tư vào trang trại. Bởi vậy tuy tuổi đời chưa nhiều nhưng đến nay vợ chồng chị đã có thâm niên 7 lần làm nhà rồi lại bán, số tiền dôi ra dành để mua bò, mua cây… Như một sự bù đắp xứng đáng, giờ đây vợ chồng chị đã có 20 ha cây keo lai 7 năm tuổi, 1 ha cây ăn quả và đàn bò trên 60 con. Những tài sản ấy đang hứa hẹn mang lại một nguồn thu không nhỏ mai này... 

               Và, còn nhiều nữa những chủ trang trại mà tôi đã gặp trong những tháng ngày rong ruổi trên mường gần, mường xa. Họ không có tên trong trang viết này bởi khuôn khổ bài viết có hạn, nhưng tôi tin rằng những nỗ lực của họ đang được dân bản tôn vinh, họ đang thực sự là những tấm gương sáng giữa cộng đồng. Những giọt mồ hôi, cùng cách nghĩ cách làm của họ đang từng ngày góp cho miền Tây thêm thắm màu xanh cây trái. Và hơn thế, chính việc làm của họ là một sự thuyết phục hơn mọi ngôn từ, gieo vào dân bản  khát vọng làm giàu từ đất. Mà miền Tây thì còn đó những đồi hoang đang chờ đợi sức người…

Cao Duy Thái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét