Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Người Nghệ tại một lễ tôn vinh

NGƯỜI NGHỆ TẠI MỘT LỄ TÔN VINH
Tối 23/2 vừa qua, tại cung văn hoá Việt Xô (Hà Nội) đã diễn ra lễ tuyên dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc 10 năm thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Hơn 500 đại biểu đến từ khắp mọi miền đất nước đã có mặt tại buổi lễ này; giữa một “rừng hoa đẹp” ấy, có 8 tập thể, cá nhân đến từ xứ Nghệ. Bên lề buổi lễ tôi đã gặp họ, để hiểu thêm những cách nghĩ, cách làm của những con người bình dị, hiểu thêm về một chặng hành trình 10 năm xây dựng đời sống văn hoá của xứ Nghệ quê mình.
 Trò chuyện cùng tôi, ông Dương Phúc Thành- trưởng công an huyện Tân Kỳ cho biết: Được đại diện cho khối quốc phòng- an ninh trong toàn tỉnh về dự lễ tuyên dương và hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá là một niềm vinh dự lớn cho toàn thể đơn vị. Với hơn 70 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công an huyện Tân Kỳ luôn là một khối đoàn kết vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự địa bàn- tất cả vì sự bình yên của nhân dân. Liên tục trong những năm qua, công an huyện Tân Kỳ đều đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng, đơn vị kiểu mẫu điều lệnh. Đảng bộ cơ quan đạt danh hiệu Đảng bộ TSVM tiêu biểu và được tỉnh uỷ tặng nhiều Bằng khen. Song song với nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn, công an huyện Tân Kỳ luôn chú trọng xây dựng môi trường văn hoá, phong trào TDTT và là một trong những đơn vị có môi trường xanh sạch đẹp tiêu biểu của toàn tỉnh
Đến từ xóm 3 xã Nam Tân, huyện Nam Đàn; chị Hoàng Thị Hảo là đại diện của một trong những gia đình văn hoá tiêu biểu. Tại lễ tuyên dương, chị vinh dự là một trong 3 gương mặt tham gia giao lưu (được truyền hình trực tiếp trên VTV2). Phía sau câu chuyện ấy là cả một sự phấn đấu bền bỉ. Cách đây gần 10 năm vợ chồng chị đã chung tay đánh thức Bàu Láng, mở ra hướng phát triển kinh tế trang trại ở Nam Tân. Lấy ngắn nuôi dài và tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, gia đình chị đã đầu tư trên 3 tỷ đồng để xây dựng Bàu Láng thành một trang trại quy mô lớn. Giờ đây mỗi năm trang trại này mang về lãi ròng cho gia đình chị cỡ trên 250 triệu đồng. Cái quý ở gia đình chị là phát triển kinh tế nhưng luôn đề cao các giá trị văn hoá, giữ gìn nề nếp gia phong. Gia đình chị đã cung tiến tiền và hiện vật với tổng giá trị mức 250 triệu đồng để tôn tạo và nâng cấp Đền và khu lăng mộ Vua Mai, mỗi năm trích hàng chục triệu đồng để giúp đỡ người nghèo trên địa bàn, ủng hộ xây dựng các công trình phúc lợi.
Đại diện cho khối doanh nghiệp trong toàn tỉnh về dự lễ tuyên dương là công ty xi măng Thanh Sơn (Quân khu 4). Đã từ lâu công ty xi măng Thanh Sơn  được rất nhiều người biết đến không chỉ bởi những thành quả trong phát triển kinh tế mà còn bởi hoạt động nhân đạo vì cộng đồng. Liên tục 3 năm qua công ty được bầu chọn là 1 trong 10 doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Tính đến nay công ty đã xây dựng đến 8 căn nhà tình nghĩa tặng gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ủng hộ hơn 700 tấn xi măng giúp địa phương xây dựng thiết chế văn hoá; hàng trăm suất quà, sổ tiết kiệm cũng đã được chuyển đến cho người nghèo, gia đình chính sách. Nhân lên những nét đẹp của người Bộ đội cụ Hồ, công ty đã sớm hình thành một môi trường văn hoá chuẩn mực. Hiện tại tất cả các đám cưới của cán bộ, nhân viên công ty đều thực hiện theo nếp sống mới, cô dâu chú rể chỉ đóng góp 500.000đ “gọi là” còn lại tất tần tật từ hội trường, loa máy đến chủ hôn đều do công ty đứng ra tổ chức.
Mỗi gương mặt người Nghệ tại lễ tôn vinh đều ẩn chứa những câu chuyện mang đậm dấu ấn văn hoá mà tôi không thể kể hết trong trang viết này. Và, rất đỗi mộc mạc chân thành nhưng thực sự họ đã để lại những dấu ấn đậm nét trong tôi. Đó là anh Nguyễn Trần Cường, sinh năm 1970 nhưng đến nay anh đã có thâm niên 2 khoá bí thư Đảng uỷ xã và hiện đang là Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu. Hơn ai hết anh hiểu rất rõ phong trào văn hoá ở Quỳnh Hậu quê anh- một trong 4 xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hoá đầu tiên trên địa bàn toàn tỉnh. Đó là bác Nguyễn Văn Trình- khối trưởng khối 3 phường Lê Lợi, thành phố Vinh- đơn vị văn hoá tiêu biểu xuất sắc của toàn Thành phố; thầy giáo Nguyễn Quang Vinh- hiệu trưởng trường THCS Phùng Chí Kiên, huyện Diễn Châu- một trong những lá cờ đầu của ngành giáo dục tỉnh nhà. Trong 8 gương mặt ấy, có cái nét thư sinh của cậu em út trong đoàn-Vy Văn Uy- trưởng bản; Bản Lau, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương. Sinh năm 1982 nhưng Vy Văn Uy có được cái “bí quyết” giữ cho bản mình không hề có đối tượng tàng trữ, buôn bán và vận chuyển ma tuý. Bủa vây xung quanh là những bản đều có người nghiện ma tuý, làm được như bản Lau là cả một câu chuyện dài rất đáng để nhiều nơi học tập và noi theo. Khép lại những dòng này tôi luôn tin rằng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở Nghệ An sẽ luôn trường tồn và phát triển. Bởi đâu chỉ là câu chuyện của 10 năm, ẩn chứa sâu đậm ở đây là cái cốt cách rất riêng của con người xứ Nghệ, câu chuyện ấy sẽ mãi tiếp nối và nhân lên suốt những tháng năm này.
                                                                                                                               CDT

Danh sách tập thể, cá nhân tỉnh Nghệ An được tuyên dương tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.
1. Khối 3 phường Lê Lợi thành phố Vinh;
2. Bản Lau xã Thạch Giám huyện Tương Dương;
3. Công an huyện Tân Kỳ;
4. Công ty xi măng Thanh Sơn quân khu 4 huyện Anh Sơn;
5. Trường Trung học cơ sở Phùng Chí Kiên huyện Diễn Châu;
6. Xã Quỳnh Hậu huyện Quỳnh Lưu;
7. Ông Cao Duy Thái, xã Châu Lý huyện Quỳ Hợp.

8. Gia đình bà Hoàng Thị Hảo, xóm 3 xã Nam Tân huyện Nam Đàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét