Như rất nhiều bản làng vùng cao khác, cây sắn đã gắn bó bao đời với bà con dân tộc Thái ở Bản Tạt (xã Yên Hợp, Quỳ Hợp). Sắn giúp dân bản đỡ lúc đói lòng, sắn làm nên hương vị say nồng của vò rượu trấu và sắn làm thức ăn chăn nuôi… Nhưng ấy là cây sắn “ta” truyền thống, còn cây sắn cao sản thì mới thực sự “bén duyên” cùng Bản Tạt ba, bốn năm nay.
Sắn cao sản đến chậm nhưng chính nó lại thức tỉnh trong bà con lối tư duy làm ăn mới mà lâu nay báo đài thường nhắc đến đó là phát triển kinh tế hàng hóa. Không còn manh mún leo lét ở bờ rào, góc nương mà cây sắn đã được bà con trồng nhiều thành vùng tập trung, lượng sản phẩm thu hoạch nhiều và lẽ dĩ nhiên lượng tiền mang lại cũng nhiều không kém.
Về bản Tạt mùa này sẽ bắt gặp mướt mát màu xanh của sắn, sắn phủ kín cánh rừng đầu bản, trải dài tít tắp đến tận chân Pu Tạt. Theo thống kê của trưởng bản Vi Văn Chỉnh thì hiện nay cả bản có đến 25 ha sắn. 25 ha sắn cho một bản nghèo, bao đời nay chỉ quen làm ra ít lúa, ít ngô kiểu tự cung tự cấp quả là một con số nhiều ý nghĩa. Bí thư chi bộ Bản Tạt- Vi Văn Tình cho biết cây sắn cao sản “về” với Bản Tạt từ năm 2005, và rồi diện tích không ngừng tăng lên theo từng năm. Nếu như năm 2005 chỉ là 8 ha, thì năm 2006 là 16 ha, năm 2007 là 22 ha và đến nay là 25 ha. Theo đó nguồn thu từ sắn cũng không ngừng tăng, năm vừa qua sắn được giá nên nhiều gia đình đã có nguồn thu không nhỏ.
Trò chuyện với bí thư chi bộ Vi Văn Tình tôi mới vỡ lẽ, cây sắn cao sản về được với Bản Tạt là nhờ…chương trình 135CP. Chương trình 135CP không có hạng mục đầu tư để bà con trồng sắn, nhưng cái quý hơn thế rất nhiều là chương trình 135 đã giúp mở đường về bản. 9km với tổng vốn đầu tư 410 triệu đồng, cung đường 135 đã nối bản với bên ngoài để bản không còn là ốc đảo, không còn là “bản quên” bởi khách xa ngại heo hút đường về. Nếu không có cung đường ấy thì bà con cũng có ít cơ hội học hỏi làm ăn, mà có biết trồng sắn giúp thoát nghèo đi chăng nữa thì sắn làm ra cũng không biết bán cho ai, bởi xe ô tô không thể vào vận chuyển.
Vui chuyện cây sắn nhưng bí thư chi bộ Vi Văn Tình cũng không ít nỗi niềm băn khăn, diện tích 25 ha sắn ấy phân nửa là đất thuộc quyền quản lý của lâm trường. Tiếng là bản vùng cao xa xôi nhưng diện tích rừng tính theo đầu hộ dân lại ít, bởi “nhìn đâu cũng thấy đất lâm trường”, mai đây khi lâm trường lấy đất thì nguy cơ cây sắn cũng rời bản, cơ hội thoát nghèo lại thêm xa. Bà con qua thông tin báo đài đã hiểu trồng sắn nhiều năm sẽ dẫn đến nguy cơ đất bạc màu, cây sắn là của thời điểm hiện nay còn vài năm tới là phải nhừơng chổ cho cây keo lai, cây mét… Thì ra chỉ một cây sắn nhỏ nhoi thôi mà cũng chở nặng bao buồn vui chuyện bản, chuyện mường.
Cao Duy Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét