Nằm ven dòng Nậm Choọng, bản Na Lạn, xã vùng sâu Châu Lý, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) quần tụ 53 gia đình 2 dân tộc anh em Kinh và Thái. Đoàn kết bên nhau chia sẻ ngọt bùi, ấm tình miền xuôi miền ngược, từ năm 2001 bản đã được ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là “Bản văn hóa”. Biết phát huy truyền thống và khơi dậy nội lực, những năm qua, Na Lạn còn được nhiều người biết đến như điểm sáng trong phong trào thể thao trên địa bàn miền núi.
Tôi biết đến phong trào thể thao ở bản Na Lạn từ những năm 1994. Còn nhớ buổi ấy các bạn trẻ nơi đây và cả vùng Tây nam Quỳ Hợp mới chỉ chập chững làm quen với trái bóng. Mê thể thao nhưng cả “huấn luyện viên” lẫn cầu thủ đều chưa biết luật; chưa có tivi, chỉ nghe đài Radio tường thuật 11 người mỗi bên thì chia đội hình ra như thế mà đá. Mỗi đội trừ thủ môn còn lại 10 cầu thủ vừa đá hậu vệ vừa tiền đạo, bóng về phía nào là 20 “anh” ùa theo phía đó, chạy!! đá theo quy định “khi nào mệt thì thôi !” Ấy thế mà cái sân cỏ của bản nằm ven dòng Nậm Choọng chiều nào cũng rộn tiếng cười, các chị các mẹ cũng ùa ra sân cổ vũ. Lời vui lan xa, thanh niên các bản lân cận cũng tới đua tài và làm quen với trái bóng.
Cuộc sống chưa thật sang giàu nhưng tấm lòng người dân Na Lạn dành cho thể thao thì luôn đầy nhiệt huyết. Bà con đã họp bàn dành khoảng đất đẹp nằm ngay trung tâm bản làm sân bóng đá, bóng chuyền. Nếu như buổi đầu chẳng ai bảo ai, người góp cân lạc, người chiêu đãi chum rượu cần để vui cùng lớp trẻ. Thì nay hàng năm dân bản tự nguyện đóng góp mỗi hộ 20.000đồng làm quỹ thể thao. Dịp Hội xuân vừa qua đội bóng của bản đã nhận được hơn hai triệu đồng do bà con quyên góp tài trợ. Phong trào thể thao cứ thế đi lên, hết bóng đá rồi lại tập bóng chuỳên, đi cà kheo, đẩy gậy… tự bao giờ Na Lạn đã như chiếc nôi của phong trào thể thao cả vùng Tây nam Quỳ Hợp.
Không chỉ là đội bóng hạt giống của địa phương, hàng năm bản còn mời đội bóng các bản xa như Quang Hương (xã Châu Quang), Bù Sành (xã Châu Thái), Bản Quệ (xã Châu Đình)… về thi đấu giao lưu, vừa học hỏi vừa tăng thêm tình đoàn kết. Lớp cầu thủ “đa năng”- vừa hậu vệ vừa tiền đạo ngày nào giờ đã là những huấn luyện viên cho đội trẻ. Sân cỏ xưa chiều chiều luôn rộn tiếng cười, khác chăng là kỹ thuật cá nhân của các cầu thủ đã hơn xưa nhiều lắm.
Chăm chỉ luyện tập nên đội tuyển Na Lạn thường dành phần thắng thuyết phục mỗi dịp đua tài. Dịp Hội xuân Tân Mão đầu năm, đội bóng đá nam của bản đã vượt lên 12 đội bóng trong vùng để dành ngôi vô địch. Không hề thua kém, đội bóng chuyền nữ của bản chủ yếu là các em đang lứa tuổi học sinh cũng giành giải nhất Hội Xuân. Thành tích đó như lời minh chứng cho sự phát triển của phong trào, thực sự là món quà nhiều ý nghĩa mà lớp trẻ đền đáp cho sự chăm lo bao năm nay của bà con dân bản.
Cao Duy Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét