Bài 4: Nghi lễ thờ cúng tại Đền Choọng
Hàng năm ở Đền Choọng có 2 lễ chính: Đám Lục
ngoạt và lễ Tất niên. Đám Lục ngoạt được tổ chức vào 2 ngày 15 và 16 tháng 6 âm
lịch hàng năm với trình tự tổ chức như sau:
Hai giờ chiều ngày 15 tháng 6 âm lịch, bắt
đầu tiến hành lễ rước linh giá từ Đền chính vượt qua dòng Nậm Choọng xuống Đình
Mường Choọng (Đình Mường Choọng nay không còn nữa, vị trí Đình xưa nằm cạnh những
cây Muỗm già cuối Bản Choọng ngày nay). Những người có chức sắc trong vùng và người
dân Mường Choọng, khách thập phương cùng tham gia lễ rước.
Đi đầu đoàn rước là phường trò với xiêm áo
rực rỡ vừa đi vừa hát chúc thần: “Chúc thần đã rõ/ Chúc thọ đã rồi/ Nay chúc cho
Mường Choọng ta mãi mãi yên lành ngô lúa tốt tươi, người người khỏe mạnh…” Tiếp
đến là 8 trai bản khiêng kiệu, trên kiệu có án thờ linh giá, hai người cầm lọng
vàng đi hai bên để che kiệu (hai chiếc kiệu này hiện còn lưu giữ cùng hương án thờ
tại nhà già Vi Văn Thu ở Bản Choọng, xã Châu Lý), đi sau kiệu là 4 người mang khiên
kiếm hộ vệ. Đoàn người cờ quạt bước theo sau.
Xuống đến Đình Choọng, một chính tế và hai
bồi tế lo phần cầu cúng, rót rượu vào 4 “chén” là con voi bằng đồng ruột rỗng (mỗi
con voi này đựng được khoảng một lít rượu) dâng lên bàn thờ làm lễ cúng. Cầu khấn
xong, tiếng trống đồng nổi lên ngân vang khắp Mường Choọng báo hiệu mở hội Lục Ngoạt.
Như đã đề cập ở bài viết trước, chiếc trống đồng này nguyên là trống lệnh của nghĩa
quân Lam Sơn và được người dân Mường Choọng suy tôn là vật thiêng và chỉ dùng vào
việc tế lễ ở Đền Choọng. Trống được cất giữ ở hang núi Thẩm Coọng (Bản Dền, Châu
Lý), trước khi mang trống về phục vụ hành lễ Đám Lục Ngoạt phải làm lễ rước trống;
tế lễ xong lại lau rửa cẩn thận và mang về chỗ cũ.
Bảy giờ tối, chính tế làm lễ xin mổ trâu cúng;
trâu cúng sau khi cạo lông, mổ ruột xong được khiêng vào cúng tại chính Đình, trâu
ở tư thế chầu, đầu cách mặt đất khoảng 80cm; ba mâm cúng gồm oản xôi, lòng và ít
thịt trâu được dâng lên ban thờ. Đêm 15 tháng sáu, Đền Choọng, Đình Choọng đèn nến
sáng trưng, khắp Mường đều vui náo nức, mọi người gặp nhau, thăm nhau tuần rượu
cần, hát cho nhau nghe câu lăm câu xuối…Tại khoảng sân rộng phía trước Đền Choọng,
phường trò biểu diễn các tích trò thu hút đông đảo khách thập phương và bà con
dân bản tới xem.
Bảy giờ sáng hôm sau (16/6 âm lịch) trâu cúng
được mang ra xẻ thịt, dọn cỗ, thịt trâu được luộc trong chiếc vạc đồng lớn. Chín
giờ sáng mọi người tổ chức rước kiệu về Đền Choọng với không khí trang nghiêm. Chính
tế, bồi tế tiến hành lễ cúng tại Đền Choọng, lời cúng được cúng bằng tiếng Kinh
với nội dung cầu cho mưa thuận gió hòa, bản mường yên bình, cây trái tốt tươi. Cầu
cho những người có chức sắc tâm sáng sức bền để lo việc bản việc mường chu toàn,
dân bản có sức khỏe dồi dào, làm ra nhiều của cải, con em học hành đỗ đạt…
Sau lễ cúng, trai gái Mường Choọng và các mường lân cận về dự lễ sẽ chính thức vào hội đua tài như thi đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ, kéo co, đi cà kheo…Cuối chiều ngày 16 tháng sáu âm lịch hạ lễ, người mường gần, mường xa bịn rịn chia tay nhau hẹn năm sau gặp lại.
Lễ Tất niên ở Đền Choọng được tổ chức vào ngày 25 tháng chạp âm lịch hàng năm. Khác với Đám Lục ngoạt, Lễ Tất niên không tổ chức rước linh giá về Đình, không làm thịt trâu. Lễ vật cúng Tất niên là các món được chế biến từ cá, thịt, trứng gà và sản vật không thể thiếu là oản xôi, xôi hông chín được đổ vào khuôn là ống nứa cắt ngắn sau đó úp lên lá mít thành những oản tròn đều nhau và dâng lên ban thờ.
Sau lễ cúng, trai gái Mường Choọng và các mường lân cận về dự lễ sẽ chính thức vào hội đua tài như thi đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ, kéo co, đi cà kheo…Cuối chiều ngày 16 tháng sáu âm lịch hạ lễ, người mường gần, mường xa bịn rịn chia tay nhau hẹn năm sau gặp lại.
Lễ Tất niên ở Đền Choọng được tổ chức vào ngày 25 tháng chạp âm lịch hàng năm. Khác với Đám Lục ngoạt, Lễ Tất niên không tổ chức rước linh giá về Đình, không làm thịt trâu. Lễ vật cúng Tất niên là các món được chế biến từ cá, thịt, trứng gà và sản vật không thể thiếu là oản xôi, xôi hông chín được đổ vào khuôn là ống nứa cắt ngắn sau đó úp lên lá mít thành những oản tròn đều nhau và dâng lên ban thờ.
Cao Duy Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét