Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Mường Choọng và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: Hình thái kiến trúc Đền Choọng

MƯỜNG CHOỌNG VÀ CUỘC KHỞI NGHĨA LAM SƠN

Bài 3: Hình thái kiến trúc Đền Choọng

            Theo nghiên cứu của các nhà văn hóa thì ở các Mường thuộc địa bàn Quỳ Hợp ngày nay đều có các ngôi Đền. Mường Nghình (Châu Hồng) tại bản Piềng Tò có đền thờ hai anh em họ Quán Vi đến khai phá lập Mường. Mường Ham (Châu Cường) có đền thờ Tạo Nọi. Mường Choọng (Châu Lý) có đền Choọng thờ Nang Phốm Hóm (nàng tóc thơm) tương truyền nàng là người con gái Thái có công lớn giúp nghĩa quân Lam Sơn chống giặc…
Tất cả các đền kể trên ngày nay không còn nữa nhưng theo lời kể của người dân và dấu tích còn sót lại thì Đền Choọng là đáng chú ý hơn cả bởi sự bề thế và phạm vi ảnh hưởng không chỉ ở Mường Choọng mà còn tới khắp các mường lân cận.
Đền Choọng tọa lạc trên đồi đất hình mâm xôi có tên gọi là Pu Đên thuộc Bản Choọng, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp ngày nay. Dưới chân Pu Đên là dòng Nậm Choọng với vực nước sâu tương truyền là chỗ Nang Phốm Hóm bị nước cuốn trôi. Bãi đất rộng trước đền là chỗ ngày xưa dân thập phương về tham gia Đám Lục Ngoạt trao đổi hàng hóa, xem diễn tích trò…
          Có câu ca truyền rằng: “Lăng bường tờ xâu phăng/ Lăng nưa xa lắp tằng tàng/ Màng xuồi Đên Choọng/ Đầy pét va pai/ Cái páy cái pa/ Chủ côn xiếng dàn/ Co Pạng pình Đên Choọng/ Xung lự tang lai” (tiếng Thái)
          Tạm dịch nghĩa: ở Đền Choọng, nhà bên dưới cột chôn, nhà bên trên lắp xà dựng trên tảng. Máng nước giữa hai nhà Đền Choọng dài tám sải rưỡi. Người đi qua đi lại, đều cảm thấy uy nghiêm. Đền Choọng có hai cây Khủa, cao hơn mọi cây trong Mường.
Câu ca này được lưu truyền ở Mường Choọng, cùng với di tích còn lại và lời kể của các cụ già đã từng được chứng kiến Đền Choọng khi chưa bị phá dỡ. Có thể hình dung rằng tòan bộ Đền Choọng xưa có 2 nhà dựng liền kề nhau (cùng chung máng nước).
Nhà trên (thượng điện) kết cấu 3 gian kiểu nhà kê, kẻ chuyền chụp tất cả làm bằng gỗ lim. Kẻ chuyền chụp, ván ấm được chạm trổ tinh xảo (nay còn một đoạn ván ấm lưu giữ tại nhà bà Phiệt, Bản Xết, Châu Lý). Kẻ chuyền chụp được chạm trổ cách điệu thành hình rồng chầu, đầu rồng là đầu kẻ có gắn hai mắt ngọc làm bằng đá hồng, đuôi 2 rồng giao nhau là chỗ đặt thượng ốc, 4 vì nhà là 8 con rồng chầu rất đẹp. Chính giữa thượng điện, trên bàn thờ chính thờ Nang Phốm Hóm có đặt hạt lúa to bằng quả bí (20cm x 80cm), vỏ hạt lúa này làm bằng gỗ, trong quả lúa này đựng gạo để thờ. Bên cạnh bàn thờ là bức tượng tạc hình người con gái đang ngồi chải tóc.
Nhà dưới (hạ điện): kết cấu 3 gian bằng gỗ lim, cột chôn. Nơi này chủ yếu để uống nước, họp bàn, chuẩn bị lễ để lên đền chính. Cả hai ngôi nhà trên đều lợp bằng tranh cọ, xung quanh thưng ván chắc chắn.
Đền Choọng nay không còn nữa nhưng quá trình khảo sát thực địa đã cho thấy quy mô bề thế của đền năm nào: 14 hòn tảng kê chân cột được lấy nguyên những khối đá lớn và đa số còn nằm nguyên vị; gian chính của Thượng Điện có bề rộng hơn 4m; Nền Thượng Điện, Hạ Điện vẫn còn đó trong ngút ngàn xanh cây trái Pu Đên… Một lần lên với dấu tích xưa cũng đủ gợi cho hậu thế hôm nay những nỗi niềm hoài vọng./. 
                                                                                                                            Cao Duy Thái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét