Bài 2: Ngôi đền thiêng ở Mường Choọng
Lịch sử đã minh chứng, mảnh đất Mường Choọng
có một vai trò rất đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vùng đất này là nơi nghĩa
quân dừng chân để tuyển quân, gom góp lương thảo phục vụ cho chuỗi trận đánh chống
quân Minh trên miền tây Nghệ An. Không chỉ lưu lại với những địa danh, câu chuyện
kể, ở Mường Choọng còn có một ngôi Đền thiêng liên quan đến giai đoạn lịch sử đặc
biệt này…
Trải bao đời nay, người dân Mường Choọng
vẫn lưu truyền câu chuyện kể về Nang Phốm Hóm- Nàng tóc thơm, người có công lớn
giúp nghĩa quân chống giặc. Ghép nối những dấu ấn lịch sử còn lưu lại và câu
chuyện kể về Nang Phốm Hóm, sẽ góp phần làm sáng tỏ lịch sử Đền Choọng- một ngôi
đền thiêng tọa lạc trên đỉnh núi Pu Đên- trung tâm của mường.
Có thể hình dung, trong thời gian lưu lại
nơi này (vào khoảng năm 1425), một tướng tài của nghĩa quân Lam Sơn đã đem lòng
yêu thương, hẹn thề nên duyên chồng vợ cùng một người con gái Thái đẹp người đẹp
nết trong vùng. Chính nàng đã được nghĩa quân tin cậy giao phó đảm trách sứ mệnh
chỉ huy việc gom góp lương thảo nuôi quân.
Người con gái ấy là Nang Phốm Hóm- Nàng
tóc thơm. Như hội tụ khí thiêng đất trời,
ngay từ lúc sinh ra Nàng đã có được nét thông minh, lanh lợi khác người, đặc biệt
là mái tóc nàng luôn thoang thoảng hương thơm hoa rừng. Nàng đi tới đâu là mang
theo may mắn và niềm vui tới đó. Không quản ngại vất vả, Nàng đã đến từng nhà hướng
dẫn bà con trong vùng làm ra thật nhiều lúa gạo, dệt nên nhiều tấm vải phục vụ nghĩa
quân kháng chiến trường kỳ.
Tướng quân cùng nghĩa quân chinh chiến dặm
trường, hết đánh trận Trà Lân, đến trận Độ Gia, giải phóng miền tây rồi giải phóng
cả vùng Hoan Châu rộng lớn… Dõi theo tin thắng trận của nghĩa quân, Nàng cùng dân
bản càng ra sức cấy trồng, ươm tơ dệt vải làm tròn vai trò miền hậu phương lớn.
Chiều chiều sau khi cắt đặt công việc xong
xuôi Nàng thường ra bến nước ven dòng Nậm Choọng để gội đầu. Một buổi chiều nọ trong
nỗi nhớ mong tướng quân đang dọc ngang trên chiến trận, lúc gội đầu nàng đã thẫn
thờ vô ý làm rơi chiếc lược, với tay vớt lược và bị nước cuốn xuống vực sâu…
Nhận được tin nàng mất, tướng quân cùng binh
lính tức tốc tìm về. Trong nỗi xót thương đến tột cùng, tướng quân cùng binh
lính và người dân Mường Choọng ngày đêm ra sức tìm Nàng. Nhưng vực nước quá sâu,
đất ven dòng Nậm Choọng đào lên chất thành núi mà chẳng thấy Nàng đâu, chỉ thấy
những sợi tóc thơm như hồn thiêng của Nàng còn đọng lại.
Thương nhớ Nàng, người dân Mường Choọng đã
lập đền thờ Nàng ngay trên đồi đất mà trong quá trình tìm kiếm Nàng đã đắp nên-
Ngôi đền ấy có tên Đền Choọng. Tự trong tâm thức của người dân Mường Choọng, Nang
Phốm Hóm là biểu tượng đẹp về công- dung- ngôn- hạnh của người con gái Thái, là
biểu tượng kết tinh từ tình đoàn kết anh em hai dân tộc Thái và Kinh.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Đền
Choọng xưa giờ không còn nữa, nhưng dấu ấn văn hóa tâm linh, dấu ấn một thời kỳ
lịch sử thì mãi còn đây, hằn in trong thẳm sâu tâm thức của người dân Mường
Choọng và tất cả những ai nặng lòng với nguồn cội xa xưa nơi mảnh đất này. Có
thể nói rằng Đền Choọng mãi là một phần không thể tách rời trong tổng hòa các
yếu tố văn hóa- lịch sử, định hình nên nét bản sắc riêng của mảnh đất và con
người Mường Choọng./.
Cao Duy Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét